130115
topics
543890

TPHCM cần thực hiện Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất

20/08/2021 13:59

Thường trực Chính phủ và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thống nhất thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh theo phương châm “mỗi xã phường là một pháo đài”, 312 xã phường tại Thành phố là 312 pháo đài phòng chống dịch. Thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm các ca F0, giảm thấp nhất số ca tử vong. Sẽ có một số bất tiện, cuộc sống có thể gặp thêm khó khăn nhưng tất cả vì sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân, để nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 312 xã phường tại TP Hồ Chí Minh là 312 pháo đài phòng chống dịch

Tối 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thống nhất, công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp Thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã của TP Hồ Chí Minh. Chính phủ và Thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã phường là một pháo đài trong mọi khâu: Dứt khoát thực hiện “ai ở đâu ở đó”, quản lý giãn cách, phong toả nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng.

Triền khai giải pháp mạnh mẽ hơn để phấn đấu sớm nhất kiểm soát được dịch bệnh

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, dịch bệnh lây lan giữa người với người, nên ngăn chặn dịch bệnh là phải ngăn chặn nguồn lây giữa người với người. Muốn vậy, phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt, triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh.

Muốn thực hiện cách ly nghiêm ngặt, người dân chấp hành theo tinh thần “ai ở đâu ở đó” thì chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, gồm: Bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trên cơ sở đó, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định. Đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng; bàn các giải pháp thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn với phương châm mỗi phường, xã, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ.

“Các đồng chí phải quyết tâm cao nhất, lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, tập trung, thống nhất, không chập chờn, không dao động, kiên trì mục tiêu, đưa ra giải pháp cụ thể, chuẩn bị nguồn lực và tổ chức thực hiện thật tốt”, Thủ tướng nói.

Quyết tâm cao nhất, triển khai lực lượng mạnh nhất

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng rất cao. Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa số trường hợp tử vong.

Hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều thống nhất cao, khẳng định quyết tâm cao nhất và phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn từ ngày 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.

Thành phố sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 Thành phố sẽ duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.

TP Hồ Chí Minh giao Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng nguy cơ cao… Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 Thành phố có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định với việc kiên trì xét nghiệm diện rộng để đánh giá tình hình, tỉnh đã có các biện pháp ứng phó phù hợp theo từng vùng nguy cơ. Đến nay Bình Dương đã ghi nhận 52.000 ca nhiễm, chuẩn bị kịch bản 100.000 ca nhiễm.

Sau thời gian thực hiện giảm “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, đến ngày 15/8 Bình Dương đã có 5 huyện, thị cơ bản chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới; dự kiến sẽ có thêm 2 địa phương nữa được “xanh hoá”. Còn hai “vùng đỏ” là TP.  Thuận An và thị xã Tân Uyên, với khoảng 22 xã, phường, tỉnh Bình Dương đã xác định sẽ xanh hoá 11 phường và tập trung lực lượng để kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại 11 phường, xã còn lại với 880.000 dân vào ngày 15/9. Bình Dương cũng đã cho phép 3.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại với khoảng 400.000 lao động. Tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ để giữ “vùng xanh” trong doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề xuất được hỗ trợ nhân viên y tế cho các trạm y tế lưu động tại những xã, phường “vùng đỏ”, hỗ trợ an sinh xã hội cho đối tượng công nhân, người lao động…

Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được cho biết, đến nay số ca lây nhiễm cộng đồng trên địa bàn tỉnh cơ bản đi ngang. Từ nay đến cuối tháng 8 tỉnh Long An sẽ thực hiện chiến lược xét nghiệm theo xã, phường, những “vùng đỏ” sử dụng xét nghiệm nhanh, quét nhiều lần, “vùng xanh” làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng báo cáo tỉnh có 5 huyện, thành phố được xác định là “vùng đỏ”, nhưng tỉnh tiến hành đánh giá nguy cơ đến tận từng khu phố, thôn, ấp, để bảo vệ từng “vùng xanh”, chốt chặt “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Tỉnh đã huy động gần 11.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia các hoạt động phòng, chống dịch… Trong 2 tuần tới, tỉnh quyết tâm để bóc tách cho hết F0 ra khỏi cộng đồng.

Lãnh đạo các bộ ngành cho rằng, để thực hiện nghiêm giãn cách trên tinh thần “mỗi xã phường là một pháo đài”, nhất định phải bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, trợ giúp y tế cho người dân để không một ai phải ra khỏi nhà, gia đình phải cách ly triệt để với gia đình, đồng thời hạn chế tối đa những hoạt động có thể dẫn đến tập trung đông người, kể cả các chợ, siêu thị…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại cuộc họp

Quân đội, Công an đã sẵn sàng

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân… Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết. Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác; trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành đồng tình với các nhóm giải pháp quyết liệt, triệt để trong phòng, chống dịch thời gian tới tại khu vực TP Hồ Chí Minh nhưng đặc biệt nhấn mạnh phải có kế hoạch chặt chẽ, chi tiết, khả thi về nguồn lực, nhân lực, vật lực, phương án áp dụng đối với các xã, phường, khu vực doanh nghiệp. Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành, triển khai đồng bộ, phối hợp nhuần nhuyễn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “mặc dù xác định mỗi xã phường là một pháo đài” nhưng trong triển khai thực tế phải cố gắng đánh giá nguy cơ dịch bệnh nhỏ nhất đến từng khu phố, từng tổ dân cư, để giữ, củng cố vùng xanh nhỏ nhất, “không mặc đồng phục” chống dịch ngay từ quy mô xã, phường.

Trong công tác điều trị phải rất chú ý đặc điểm diễn biến triệu chứng bệnh, vì vậy cần chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng, các loại thuốc bổ để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho người nhiễm COVID-19, nhất là những bà con vốn có hoàn cảnh khó khăn, không để bệnh chuyển nặng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị TP Hồ Chí Minh phải có chỉ đạo để cấp uỷ, hệ thống chính trị phải vào cuộc chuẩn bị ngay từ bây giờ với tinh thần “mỗi xã, phường là một pháo đài” từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, trạm y tế lưu động, phương án tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm đến tận từng gia đình, nhân lực cần chi viện… “Chúng ta phải rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào trận đánh lớn”, Phó Thủ tướng nói.

312 pháo đài phòng chống dịch

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu: Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe các ý kiến, xem xét quyết định theo đa số, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, ổn định tình hình. Đây là quan điểm đã được Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nhiều lần.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn và thống nhất của các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, chúng ta chuyển sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận phường, xã. Đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã phường tại TP Hồ Chí Minh theo mức nguy cơ “xanh, đỏ, vàng” để giữ vững, mở rộng các xã phường “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Để thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, để 312 xã phường tại Thành phố thực sự là 312 pháo đài phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu thực hiện bằng được các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP Hồ Chí Minh triển  khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thứ ba là về bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19: tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng và tiếp tục nghiên cứu nhiều biện pháp phù hợp khác như điều trị tại bất cứ nơi nào tốt nhất, có không gian thoáng mát, kết hợp đông y và tây y, tăng cường hướng dẫn điều trị qua các phương tiện thông tin đại chúng… Giảm tối đa các trường hợp tử vong. Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.

Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.

Thứ năm, về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…

Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Bộ Y tế chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, chỉ đạo chung về công tác hậu cần, tài chính, xuất cấp dự trữ quốc gia… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách, chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch và y tế. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phụ trách, chỉ đạo chung về công tác cung ứng hàng hóa. Các Bộ trưởng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân. “Các Bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không chập chờn” để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng yêu cầu.

Các lực lượng tăng cường, chi viện hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất, tập trung, cụ thể là của ban chỉ đạo phòng chống dịch, sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của địa phương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ liên quan tới công tác tiêm vaccine (có thể huy động lực lượng y tế của công an và quân đội hỗ trợ), huy động nguồn lực tư nhân trong phòng chống dịch, thông tin – truyền thông, lưu thông hàng hóa, hoạt động của các cơ quan nhà nước, xuất cấp dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn…

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất, là ưu tiên số 1 hiện nay, nhưng cũng không thể bỏ quên, lơ là, để tê liệt các hoạt động, các nhiệm vụ quan trọng khác.

Hà Văn – Đình Nam

Đọc nhiều