2
category
480564

TP.HCM ‘xin đường’ cho xe buýt mini

Trần Anh 27/02/2021 12:01

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng xe buýt 12 đến 17 chỗ ngồi (xe buýt mini) để phát triển mạng lưới giao thông công cộng.

Xe buýt cồng kềnh không tiếp cận được những tuyến đường nhỏ nên phần lớn người dân vẫn chọn đi lại bằng xe cá nhân.
Xe buýt cồng kềnh không tiếp cận được những tuyến đường nhỏ nên phần lớn người dân vẫn chọn đi lại bằng xe cá nhân.

Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu cho vận tải xe buýt nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe công cộng thay dần xe cá nhân.

Cần xe buýt nhỏ kết nối metro

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, UBND TP cho biết đến nay mạng lưới xe buýt của TP chỉ đạt 1km/km2, trong khi quy chuẩn là 2,5km/km2.

Toàn TP hiện có 2.322 xe buýt phân bố trên 137 tuyến, đa số là loại xe buýt cỡ lớn với sức chứa 41-60 hành khách, chỉ chạy ở đường rộng từ 10m trở lên (chiếm 41%), trong khi nhiều tuyến đường của TP hiện nay quá nhỏ. Điều này dẫn đến mạng lưới bị thu hẹp, người dân phải đi khá xa mới có thể tiếp cận được xe buýt.

TP.HCM nhận định cần đưa vào sử dụng các loại xe buýt mini 12-17 chỗ, nhất là loại xe có ứng dụng công nghệ phù hợp với đô thị thông minh.

Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2021 – 2022 TP dự kiến mở mới 20 tuyến buýt sử dụng xe buýt mini kết nối dọc metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, xe buýt phải trên 17 chỗ, có bố trí chỗ đứng lẫn chỗ ngồi. Đối với tuyến qua cầu có trọng tải từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% có lộ trình tuyến đường cấp IV hoặc đường rộng dưới 7m mới được sử dụng loại xe 12-17 chỗ.

Vì vậy, UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được sử dụng xe buýt 12 đến dưới 17 chỗ nhằm đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đạt tiêu chí trong phạm vi 500m người dân có thể tiếp cận xe buýt.

Thêm lựa chọn cho người dân

Ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM – cho biết từ đề xuất của nhà đầu tư, mới đây Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT về đề án mở mới 6 tuyến xe buýt dưới 17 chỗ với lộ trình đi qua các khu đô thị mới chưa có tuyến xe buýt trực tiếp, giá vé 10.000 – 40.000 đồng.

Theo đó, nhà đầu tư tự mua xe, ngân sách nhà nước không tốn tiền trợ giá. Nhà đầu tư ứng dụng công nghệ đặt xe; hành khách được báo trước biển số xe, lộ trình, thời gian di chuyển và thanh toán không dùng tiền mặt mà qua thẻ tín dụng, thẻ ATM, ví điện tử…

Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ GTVT chấp thuận do nghị định 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.

TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức – cho rằng việc đưa xe buýt mini vào hoạt động tại TP là cần thiết vì mạng lưới đường đô thị TP chủ yếu là đường nhỏ, hẹp mà xe buýt tiêu chuẩn (cỡ lớn) không ra vào được.

Đây là tồn tại từ nhiều năm nay, khiến mạng lưới xe buýt không thể tiếp cận được một lượng lớn hành khách có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, xe buýt mini dễ dàng tiếp cận những con đường nhỏ để đưa khách đến các trục giao thông có xe buýt lớn, xe buýt nhanh, metro.

Theo ông Tuấn, TP.HCM có hơn 10 triệu dân, nhu cầu đi lại lớn, trung bình mỗi người đi lại 3 chuyến/ngày, tương ứng mỗi ngày TP đảm nhiệm 30 triệu chuyến đi. Trong khi đó, xe buýt hiện mới đáp ứng 1 triệu chuyến/ngày.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 giao thông công cộng sẽ đáp ứng 15%, năm 2030 là 30% nhu cầu của người dân nên số lượng xe buýt phải tăng gấp 3, 4 lần so với hiện tại. “Nếu chỉ tăng xe buýt cỡ lớn, ở các khu vực ít khách đi lại, xe chạy rỗng nhiều dẫn tới hiệu quả khai thác không cao, tốn kém ngân sách. Xe buýt mini ra đời sẽ có thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân” – ông Tuấn nói.

Đợi Văn phòng Chính phủ đề nghị, Bộ GTVT sẽ có ý kiến

Một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết năm 2020 Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất triển khai xe buýt mini dưới 17 chỗ.

Tuy nhiên, nghị định 10/2020 quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên nên thời điểm đó Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT TP.HCM không thực hiện đề xuất trên.

“Do vấn đề liên quan đến quy định của nghị định nên lần này TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng. Theo quy trình, Văn phòng Chính phủ sẽ có công văn lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan về đề xuất trên. Khi nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này”- lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết.

Trước đó, năm 2018, Sở GTVT TP Hà Nội cũng có phương án mở các tuyến buýt sử dụng xe mini chở từ 12-16 hành khách trên các tuyến đường có chiều rộng dưới 7m để trung chuyển hành khách với các tuyến xe buýt loại lớn. Phương án này cũng vướng quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.

Cuối năm 2019, Sở GTVT TP Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội cho thí điểm 8 tuyến xe buýt bằng loại xe 15 – 25 chỗ ngồi trên một số tuyến đường có chiều rộng đường từ 5-7m nhưng đến nay chưa thành hiện thực.

TUẤN PHÙNG – ĐỨC PHÚ – THU DUNG/TTO

Tags :
Đọc nhiều