TP.HCM xác định thêm 3 bệnh viện mua kit test của Việt Á
Theo báo cáo, Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết có 3 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện quận Bình Tân.
Chiều 10/1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban Chỉ đạo) họp báo định kỳ về tình hình dịch.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo, số ca tử vong do dịch ở TP.HCM trong 3 ngày liên tiếp dưới 20 (từ 7/1 đến 9/1). Số ca nhiễm, ca bệnh nặng duy trì xu hướng giảm; ca xuất viện cao hơn ca nhập viện.
Hiện, TP.HCM đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó, 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9/1, 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong. Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 421.000 mũi vaccine bổ sung và hơn 2,55 triệu mũi vaccine nhắc lại.
Thanh tra việc mua kit test của Việt Á
Tại họp báo, PV đặt câu hỏi về kết quả thanh tra, kiểm tra các đơn vị mua kit test của Công ty Việt Á. Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo báo cáo từ đơn vị chức năng, TP.HCM có 3 bệnh viện mua kit test của Công ty Việt Á gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện quận Bình Tân. Hiện, cơ quan chức năng đang thanh tra và chưa có kết luận.
“Khi nào có kết quả điều tra, thanh tra, Sở Y tế sẽ có thông tin cụ thể. Một trong những nguyên tắc của thanh tra, kiểm tra, khi chưa có kết luận thì không có thông tin”, bà Mai cho hay.
“Không phải cứ vùng xanh là được đi học”
Trước câu hỏi của phóng viên về việc khi TP.HCM trở thành vùng xanh, phương thức dạy và học thay đổi thế nào, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh phải theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Hiện, việc học trực tiếp đang tổ chức cho học sinh từ lớp 7 trở lên. Từ ngày 4/1, các trung tâm ngoại ngữ, tin học… ngoài giờ chính khóa cũng được học trực tiếp.
“Đối tượng được đi học trực tiếp phải theo chỉ đạo của UBND TP.HCM chứ không phải vùng xanh là được đi học”, ông Trọng cho hay. Sở GD&ĐT đang tham mưu lãnh đạo TP và yêu cầu các cơ sở giáo dục sẵn sàng tinh thần đón học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Về việc tổ chức dạy học trực tiếp của mỗi địa phương theo cấp độ dịch, ông Trọng cho biết sẽ dựa trên văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT trước đây. Cụ thể, khi thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học tương ứng, thể hiện sự linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tiếp khi phòng, chống dịch.
Về số lượng học sinh rút học bạ, chuyển về quê, ông Trọng cho biết theo thống kê, khoảng 7.500 học sinh ở cấp tiểu học (hiện chưa được đến trường) thực hiện hồ sơ chuyển trường; còn THCS, THPT hầu hết đã học trực tiếp tại TP.HCM (trừ khối lớp 6).
“Quan điểm của Sở GD&ĐT là luôn tạo điều kiện cho người dân sinh sống cũng như làm việc trong điều kiện thuận lợi, phù hợp hoàn cảnh từng gia đình, làm sao chăm lo tốt nhất cho học sinh. Việc học trực tiếp ở trong TP.HCM hay ở địa phương khác thì Sở GD&ĐT đều tạo điều kiện thuận lợi để chăm lo cho học sinh tốt nhất”, ông Trọng nói và cho biết thêm tổng số học sinh tiểu học hiện nay là 674.173 em. Như vậy, tỷ lệ học sinh cấp 1 xin chuyển hồ sơ là khoảng 1,1%.
PV đặt vấn đề phải chăng Sở GD&ĐT TP.HCM chờ hoàn thành việc tiêm vaccine cho nhóm 5-11 tuổi thì mới đề xuất cho học sinh tiểu học trở lại trường? Đại diện Sở GD&ĐT khẳng định đây chỉ là một trong các tiêu chí để quyết định. Đơn vị đã chuẩn bị và tham mưu lãnh đạo TP.HCM để mở rộng dạy học trực tiếp. Còn thời gian, kế hoạch cụ thể sẽ theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
“Về phía Sở GD&ĐT, Ban Giám đốc đã chỉ đạo tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp”, ông Trọng cho hay.
Đề xuất tặng bằng khen cho 30 người tử vong khi chống dịch tại quận 8
Từng là điểm nóng của TP.HCM khi dịch bùng phát nhưng hơn 3 tháng qua, quận 8 liên tục duy trì vùng xanh (cấp độ dịch 1). Chia sẻ bí quyết, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND quận 8, cho biết quận đề ra tiêu chí “4 không”: Không để ca F0 tử vong tại nhà; không để người bệnh điều trị tại nhà và không có thuốc; không để người dân nào không được chăm lo; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trên địa bàn.
Bốn ngày gần đây, số F0 tại quận chưa tới 20 ca. Riêng ngày 9/1 chỉ có 11 ca F0. 2 tháng nay, quận không xảy ra trường hợp tử vong tại nhà.
Ông Sang cũng cho biết trong đợt dịch vừa qua, quận 8 có 30 trường hợp thuộc tuyến đầu tham gia chống dịch đã tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ. Hiện, quận 8 đã lập danh sách các trường hợp này và đề xuất Thủ tướng tặng bằng khen.
TP.HCM dự kiến hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần
Nói về điểm mới trong giai đoạn 2 chống dịch của TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết năm 2022, dự kiến, đối tượng bảo vệ trong nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng thêm gồm người từ 50 tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai chưa tiêm. Trong năm 2021, đối tượng được chú ý là người có độ tuổi từ 65.
Theo ông Tâm, chiến dịch bảo vệ người nhóm nguy cơ của thành phố hiện nay đã đạt được thành công. Trước đây, khi phân tích tỷ lệ tử vong, ngành y tế nhận thấy các trường hợp tử vong rơi nhiều vào nhóm người lớn tuổi trên 65, người có bệnh nền. Do đó, TP.HCM đã có quyết định về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tập trung vào nhóm này. Đến nay, số ca tử vong đã giảm rõ.
Về triển khai tiêm vaccine mũi 3, ông Tâm cho biết tiến độ tiêm diễn ra rất tốt, tuy nhiên vẫn chưa có quận huyện nào hoàn thành 100% mũi 3. Theo thống kê, có một số quận, huyện đạt 90% tiến độ. Nếu duy trì 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, TP.HCM sẽ hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022.
“Dự kiến trong tháng 1, khả năng hoàn thành mũi 3 là khá cao, về kế hoạch tiêm năm 2022, TP.HCM tiếp tục triển khai tiêm cho người chưa đủ liều; người hoãn tiêm từ những đợt tiêm trước vì lý do sức khỏe. Sắp tới thành phố sẽ truy quét và tiêm vét những đối tượng này”, ông Tâm nói.
Liên quan câu hỏi người dân từ các tỉnh quay lại TP.HCM sau Tết Nhâm Dần có phải khai báo và cách ly không, lãnh đạo HCDC cho biết việc cách ly sẽ thực hiện theo từng đối tượng là F0, F1, người có yếu tố nghi ngờ liên quan dịch Covid-19. Riêng việc khai báo y tế vẫn được thực hiện theo quy định.
TP.HCM cần 45.000 lao động sau Tết Nhâm Dần 2022
Tại họp báo, PV đặt câu hỏi TP.HCM có thay đổi kế hoạch bắn pháo hoa đón Tết Nhâm Dần 2022 khi trở thành vùng xanh hay không? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chuyên trách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết trong hơn 3 tháng qua, kể từ khi địa bàn công bố cấp độ dịch, TP.HCM lần đầu đạt cấp độ 1 – vùng xanh. Việc quyết định có bắn pháo hoa đón Tết Nhâm Dần 2022 hay không đang được lãnh đạo Trung ương và TP.HCM cân nhắc, tùy vào tình hình chống dịch để thực hiện.
Thông tin về việc điều phối nguồn nhân lực sau Tết Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết sau Tết, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí…
Để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn, sở chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn kết nối, giới thiệu lực lượng lao động địa phương, lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại TP.HCM làm việc với doanh nghiệp ngay sau Tết.
Về chăm lo người lao động ở lại TP.HCM, ông Lâm cho hay trong năm 2022, UBND TP.HCM đã có kế hoạch 58 gửi các đơn vị hướng dẫn tổ chức kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần đối với người lao động. Đối tượng chăm lo Tết có 23 diện được quan tâm, với tổng kinh phí là hơn 901 tỷ đồng.
Trong đó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành quan tâm triển khai các hoạt động phù hợp tình hình dịch bệnh. Đồng thời, TP.HCM đề nghị các chủ doanh nghiệp xem xét chi trả lương, Tết cho người lao động; xem xét doanh nghiệp khó khăn để hỗ trợ; tặng 15.000 phần quà cho công nhân tại các khu chế xuất; triển khai tấm vé nghĩa tình (vé xe, sân bay) để người dân về quê…
Quân y rút đi nhưng số trạm y tế không đổi
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin hiện ngoài 310 trạm y tế cơ bản, thành phố lập thêm 391 trạm y tế lưu động. Số trạm y tế lưu động tùy thuộc vào số F0 đang điều trị tại nhà.
Từ trước tới nay, các tổ quân y đã đảm trách 168 trạm với 406 người, tăng giảm tùy giai đoạn. Sau khi lực lượng này rút đi, các trạm y tế này vẫn duy trì. Nguyên nhân không phải do F0 tăng mà để ứng phó với Omicron. Nếu xảy ra, thành phố sẽ không bị động trong phòng chống dịch.
Sau khi quân y rút đi, nguồn này được bổ sung bằng lực lượng bác sĩ mới ra trường. Cụ thể, sở đang vận động lực lượng sinh viên vừa ra trường của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xung phong thực hiện công việc tại trạm y tế lưu động. Trạm sẽ tập huấn và có cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo hoạt động cho các em ở trạm.
Lực lượng sinh viên từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP.HCM có thể huy động hơn 300 người làm tình nguyện viên, hỗ trợ thăm hỏi, chăm sóc hoặc lấy mẫu xét nghiệm. Đây là nhóm có thể đưa vào nhân sự của trạm y tế lưu động.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cũng bố trí lực lượng y tế gồm trạm y tế đã cố định, có thể chia sẻ hoặc huy động thêm lực lượng y tế tư nhân. Ngoài ra, lực lượng nhà thuốc cũng đang đồng hành cùng công tác phòng, chống dịch; cùng với các hội đoàn như Hội Đông y, Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên địa phương.
“Lực lượng hiện tương đối đảm bảo. Tùy theo tình hình và số F0, trạm y tế có thể tăng lên hoặc giảm xuống đúng theo tình hình”, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay.
Nhiều bệnh viện ở TP.HCM lập khoa điều trị hậu Covid-19
Tại họp báo PV đặt câu hỏi mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19. Đề nghị Sở Y tế thông tin rõ hơn về tỷ lệ F0 ghi nhận di chứng này và các ảnh hưởng sức khỏe liên quan? Sở đang và sẽ làm gì để hỗ trợ người bệnh?
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế và TP.HCM đều quan tâm tới nhóm này. Thành phố đang tiến hành tiêm vaccine cho các nhóm này. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngay sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm vaccine mũi bổ sung.
Các bệnh viện đã có phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất. Riêng một số bệnh viện lớn tại TP.HCM thành lập hẳn khoa điều trị hậu Covid-19. Ví dụ như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám trẻ em, người lớn có Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy… Ngoài ra, mới đây, Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y dược TP.HCM, đã xây dựng sổ tay Cẩm nang phục hồi sau Covid-19 nhằm hỗ trợ nhóm này.
Tại họp báo, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đông Y TP.HCM, cho biết trong năm 2022, Hội Đông Y TP.HCM sẽ tổ chức chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc Covid-19 với chủ đề Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc.
Chương trình này diễn ra xuyên suốt 5 tháng từ 14/1 đến 29/4, do Ban chỉ đạo TP.HCM, Hội Đông Y và các đơn vị cùng phối hợp, thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1, hội tập trung chăm lo cho khoảng 6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Giai đoạn 2, Hội Đông Y TP.HCM tiếp tục chăm lo cho 6.000 người khó khăn hậu nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn.
Theo kế hoạch, người dân thăm khám được tầm soát bệnh miễn phí, sàng lọc tư vấn tâm lý hậu Covid-19 miễn phí, chụp X quang tim, phổi; đo tim; siêu âm miễn phí. Đồng thời, hội cũng phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình.
Tính đến ngày 6/1, dịch tại TP.HCM ở cấp độ 1. Như vậy, sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, đây là lần đầu tiên dịch tại TP.HCM hạ xuống cấp độ 1 (vùng xanh).
Trong đó, 4 địa phương ở cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Còn lại 18 địa phương đạt cấp 1.
TP Thủ Đức là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2. Ba quận giảm cấp độ dịch từ cấp 2 xuống cấp 1 là quận 4, 11, Tân Phú.
Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca mắc mới từ ngày 31/12/2021 đến 6/1/2022 là 3.244 ca, giảm 843 ca so với tuần trước đó (4.087 ca).
Ngọc Anh