TP.HCM tổ chức nhiều địa điểm và xe tiêm vắc xin lưu động
Việc tiêm vắc xin COVID-19 tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội được thực hiện tại các trạm y tế phường, xã, các cơ sở y tế và nhiều điểm tiêm nhỏ do các xe tiêm lưu động đến tận nơi.
Ngày 11-7, Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM cần tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 hợp lý, không để người dân phải ra khỏi nhà nhiều và tránh tập trung đông người.
Việc tiêm chủng được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế…) và cần bố trí tiêm vắc xin theo các khung giờ khác nhau để đảm bảo giãn cách xã hội và giảm thời gian chờ đợi cho người dân.
Bên cạnh đó, thành phố cần tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ với các xe tiêm lưu động.
Bộ Y tế điều tới TP.HCM 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, bàn tiêm… Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này thì sang hẻm khác.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin – truyền thông đã cho ra đời ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.
Bộ Y tế cho biết thêm, dự kiến trong tháng 7 này sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vắc xin về Việt Nam và vắc xin sẽ được ưu tiên dành cho TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.
Hôm qua 10-7, 1,5 triệu liều vắc xin Moderna trong tổng số 2 triệu liều mà Mỹ hỗ trợ Việt Nam qua cơ chế COVAX đã về tới Hà Nội và được vận chuyển ngay tới TP.HCM (1 triệu liều) và các tỉnh Nam Bộ (500.000 liều).
Trước đó, ngày 9-7, hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca bao gồm quà tặng của Chính phủ Nhật Bản và theo hợp đồng đặt mua của VNVC cũng đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết tổng số người đã được tiêm vắc xin COVID-19 trong 4 đợt vừa qua là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2. Thành phố đang chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 5 khi vắc xin được phân bổ về thành phố.
Đăng ký tiêm chủng ở đâu, như thế nào?
Đến 9h sáng nay 11-7, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đã tiếp nhận thông tin của gần 136.000 người đăng ký tiêm ngừa.
Bà Đặng Thị Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết từ ngày 10-7, tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký thông tin tiêm chủng tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 bằng cách truy cập đường dẫn tiemchungcovid19.gov.vn để cung cấp thông tin tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, có bệnh lý nền hay không, có thuộc danh sách ưu tiên, đăng ký cho cá nhân hay đăng ký theo nhóm…
Viêc đăng ký tiến hành theo 4 bước, đều có hiển thị rõ trên cổng thông tin. Ứng dụng này có thể sử dụng cả trên máy tính và điện thoại, việc nhận được thông tin đầy đủ sẽ giúp lập sớm kế hoạch tiêm chủng, không phải đợi đến khi tiêm mới có thông tin sẽ mất thời gian.
Bên cạnh hình thức nhận thông tin từ Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, những ngày gần đây vẫn có bộ phận cán bộ các xã phường đến từng nhà nhận thông tin đăng ký tiêm chủng. Ngành y tế cũng đang xây dựng quy trình để có thể tiến hành tiêm chủng nhanh và sớm theo các nhóm/cá nhân đã đăng ký.
Ví dụ một cơ quan/nhóm có trong danh sách ưu tiên, đơn vị tuyến đầu thì từ thông tin đăng ký, đơn vị phụ trách tiêm chủng cho nhóm/cơ quan đó có thể gửi tin nhắn để nhóm/cơ quan đó đến tiêm chủng.
Hay nhóm ưu tiên là người trên 65 tuổi, lại lọc từ hệ thống đăng ký những người trên 65 tuổi, người không có điện thoại hay thông tin tiêm chủng trên cổng thì xã phường sẽ thông qua hệ thống cán bộ xã phường.
Các nhóm khác cũng sẽ tiến hành tương tự, mục tiêu đến tháng 4-2022 có 70% người có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin được tiêm ngừa.
Khi đến điểm tiêm chủng, điểm tiêm sẽ rà soát danh sách từ hệ thống, người đến tiêm không phải kê khai lại thông tin, việc tiêm chủng sẽ tiến hành nhanh hơn do các thông tin và tiền sử bệnh đều có, hỗ trợ khâu khám sàng lọc nhanh hơn.
Xuân Mai – Lan Anh