28
category
528776

Chống dịch nhưng xin đừng bỏ quên người yếu thế!

Thái Thanh 30/06/2021 11:19

Đó có lẽ là câu hỏi mà hiện nay nhiều người đang sống ở TP.HCM quan tâm, nhiều người trăn trở, đặc biệt là với người lao động nghèo, người yếu thế đang cầm cự trong những ngày đại dịch, sống bằng tình thương, sự san sẻ của cộng đồng.

Xin đừng quên họ – những người yếu thế

Đặc sản và dường như cũng trở thành thương hiệu mỗi khi nhắc đến TP.HCM – Sài Gòn là “nghĩa tình” và “hào sảng”. Điều đó chưa bao giờ bị mai một, dù trong lúc nguy khó nhất của đại dịch, khi nhiều hàng quán phải đóng cửa, công ăn việc làm bị đình trệ nhưng tình người ở TP.HCM vẫn tỏa sáng, người dân vẫn nhín một chút chia cho nhau trong những ngày khốn khó này.

Hàng ngày, đâu đó trên khắp các quận, huyện trên địa bàn TP, người ta vẫn thường thấy những suất cơm nghĩa tình, những phần quà thơm thảo, ngày cũng như đêm, được trao cho những cụ bà vô gia cư và người lao động nghèo. Hàng trăm phiên chợ không đồng của những nhà hảo tâm “mọc lên” ngay tại các khu cách ly với gạo, mì, rau củ quả. Những phần quà dù số tiền không đáng là bao nhưng đó là tất cả tấm lòng của người TP dành cho nhau trong đại dịch. Đó là những hình ảnh rất đẹp.

Điều này vô cùng có ý nghĩa, không chỉ trên góc độ nhường cơm sẻ áo, làm sáng lên tinh thần nhân văn của người dân TP – Sài Gòn, mà hơn hết đây là sự tiếp sức, góp phần giúp chính quyền TP giảm tải đi nhiều gánh nặng, tập trung tốt nhất cho công tác chống dịch. Tín hiệu rất mừng là, mặc dù TP.HCM đang đứng đầu cả nước về số lượng ca nhiễm Covid-19, nhưng có thể nói, đến thời điểm này TP đang rất chủ động trong kiểm soát dịch. Số ca nhiễm đa phần phát hiện trong các khu dân cư đã cách ly tập trung, công tác chống dịch của cơ quan chức năng ngày càng siết chặt, người dân trên địa bàn TP được test nhanh, truy vết nhanh nhất các F0.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế cũng thấy được rằng, sự tiếp sức và sẻ chia của người dân, thực hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” cũng có những giới hạn. Trong 1 tháng qua, TP.HCM giãn cách xã hội, những gì làm được cho nhau mọi người đều cố gắng thực hiện và với nhiều người đã là vét hết những đồng tiền cuối cùng.

Khi mà những ngày tới đây, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách, cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 bắt đầu vào giai đoạn mới, không chỉ những người lao động nghèo mà nhiều thành phần khác, người buôn bán nhỏ, chủ cửa hàng kinh doanh càng có thêm nhiều nỗi lo, nhiều người đã không còn đủ khả năng cầm cự, đã rơi vào kiệt quệ. Giãn cách – bị “nhốt” trong nhà, đồng nghĩa với… đói mau. Thất nghiệp, mất thu nhập nhưng tiền điện nước cũng phải trả, gạo thịt, mắm muối cũng phải mua… Áp lực nhiều kinh khủng, nỗi lo vô biên nên không phải ai cũng có thể nhìn nhau thân thiện trong hoàn cảnh này, dù là vợ chồng con cái.

Tình tương ở TP.HCM trong những ngày đại dịch. Ấm áp như thế này…

Hơn lúc nào hết, có lẽ chính quyền TP.HCM cần nhiều động thái và đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động nghèo, người dân thất nghiệp đang sống lay lắt trong lúc dịch bệnh này. Tính sơ bộ chưa đầy đủ, TP.HCM có hơn 230.000 người lao động bị mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tất cả đều trông chờ vào sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.

Đã hai mươi ngày trôi qua kể từ khi Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP.HCM tiến hành việc hỗ trợ người lao động nghèo, bị thất nghiệp… Tuy nhiên, các đối tượng thuộc diện chính sách được hỗ trợ vẫn chưa nhận được tín hiệu gì, sự chờ đợi trong những ngày như thế này là dài dăng dẳng.

Có những việc có thể chờ đợi được, nhưng với tiền cứu trợ lũ lụt thiên tai, dịch bệnh thì luôn cần được thực hiện nhanh và trao đúng thời điểm người dân đang khó khăn và cần đến nó nhất. Câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” trong những trường hợp như thế này có ý nghĩa như vậy.

Chống dịch và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng xin đừng quên đi người lao động nghèo – chăm lo cho đời sống của họ, để họ an tâm trong những ngày dịch bệnh như thế này cũng là điều hết sức quan trọng.

Vì một TP.HCM – Sài Gòn không một ai bị bỏ lại phía sau, chỉ cần mỗi cá nhân, cán bộ, và người dân cùng nhau cố gắng thêm một chút nữa, nỗ lực làm việc thêm một chút nữa, tin rằng chúng ta rồi sẽ nhanh chóng bước qua thử thách thời cuộc này.

Thái Thanh

Đọc nhiều