8
category
596198

TP.HCM số trẻ mắc COVID-19 tăng vọt, ca nặng và tử vong tăng nhẹ

15/03/2022 07:47

Về số trẻ mắc COVID-19 tăng khi học trực tiếp tại TP.HCM, chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết tuần đầu ghi nhận có 449 trẻ; tuần 2 có 6.799 trẻ; tuần 3 có 18.522 trẻ và tuần từ ngày 1 đến 7-3 có 34.202 trẻ mắc COVID-19.

Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Như vậy, có thể thấy số trẻ nhiễm trong những tuần qua tại TP.HCM liên tục tăng rất cao. Cụ thể, số ca tăng giữa các tuần dao động trên trên 12.000 – 16.000 ca.

Bà Mai cho biết thêm, Sở Y tế và Sở Giáo dục – đào tạo TP đã họp, triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, có các kịch bản đáp ứng tùy theo điều kiện tình hình.

Số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều nhưng sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19.

Về số ca mắc COVID-19 chung của TP đang có xu hướng giảm liên tục. Dù ghi nhận thêm các trường hợp nhập viện ở các tầng nhưng không tăng đột biến. Số ca nặng và tử vong dù có tăng nhẹ nhưng vẫn đang ở mức thấp so với đợt đỉnh dịch vào tháng 8 và tháng 9-2021.

Về tình hình cả nước, theo báo cáo Bộ Y tế, trong ngày 14-3, cả nước ghi nhận 161.262 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành, giảm 5.706 ca so với ngày trước đó. Hà Nội có số ca nhiễm cao nhất với 29.833 ca. Có 29 tỉnh, thành ghi nhận ca nhiễm từ trên 2.000 – trên 10.000 ca.

Hiện cả nước đang điều trị 4.230 ca bệnh nặng, tăng 123 ca so với ngày 13-3. Trong ngày ghi nhận 92 ca tử vong. Hà Nội cũng là địa phương có số ca tử vong cao nhất với 11 ca.

Tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm trên cả nước vẫn ở mức 0,7%, tuy nhiên 2 ngày 13 và 14-3 đã tăng hơn so với những ngày liền kề trước đó và tăng hơn so với bình quân trong tuần.

Về số ca mắc mới, ngày 14-3 là ngày thứ 7 số mắc mới chững lại ở mốc trên 160.000 ca. Hà Nội, địa phương có số mắc mới cao nhất nước hơn 2 tháng nay thì vài ngày nay đã giảm dần và xuống dưới mốc 30.000 ca mới/ngày.

Doanh nghiệp phủ vắc xin 80%, F1 được đi làm

Thông tin trên được phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm cho biết trong cuộc họp báo chiều 14-3.

Ông Tâm cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã có một số quy định về quản lý F1 thoáng hơn so với thời gian trước đây.

Cụ thể, các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay, phải thực hiện xét nghiệm vào ngày 3 và ngày 7.

Theo đại diện HCDC, gần như tất cả doanh nghiệp tại TP có tỉ lệ tiêm vắc xin đạt trên 85%. Do đó, hầu hết người lao động là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp theo quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn.

Đối với cơ sở có tỉ lệ tiêm chủng dưới 80%, người lao động chưa tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 cần cách ly theo quy định. Tuy nhiên, người lao động đã tiêm vắc xin sẽ được cho đi làm ngay.

Tính đến thời điểm hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly 7 ngày hoặc 14 ngày đối với trường hợp chưa tiêm đủ số mũi vắc xin phòng COVID-19.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh khối lớp 7 Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Việt Nam đã tiếp nhận 220 triệu liều vắc xin COVID-19, phân nửa từ sự trợ giúp quốc tế

Chiều 14-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, đã có cuộc gặp để cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vắc xin, khoảng 50% là từ sự trợ giúp qua cơ chế COVAX và trên 30 nước cung cấp qua kênh song phương, nguồn vắc xin này đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 200 triệu mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên.

Thủ tướng cho biết từ tháng 10-2021, Việt Nam đã chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Nhờ đó tăng trưởng GDP từ mức âm hơn 6% trong quý 3-2021 đã đảo chiều tăng 5,22% trong quý 4-2021, đưa GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 2,58%. Những tháng đầu năm 2022, kinh tế – xã hội đạt các kết quả tích cực, khởi sắc trên các lĩnh vực, các hoạt động đang trở lại bình thường.

Kinh tế vĩ mô ổn định, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động được bảo đảm.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã đúc rút được 3 trụ cột trong phòng chống dịch COVID-19 là cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành 

– Hà Nội tối 14-3 thông báo trong 24 giờ qua ghi nhận 27.833 ca COVID-19 mới, giảm 1.500 ca so với ngày 13-3. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới mỗi ngày ở Hà Nội giảm. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Sóc Sơn (1.739); Đông Anh (1.701); Hoài Đức (1.636); Hoàng Mai (1.595); Long Biên (1.552).

Có 3.972 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Như vậy số ca phải nhập viện ở Hà Nội chỉ chiếm 0,8% tổng số ca dương tính đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố. Ngày 13-3 có 11 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27-4-2021 đến nay) là 1.261 người.

– Cao Bằng trong ngày 14-3 trên địa bàn ghi nhận thêm 2.163 ca COVID-19 mới, TP Cao Bằng vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất với 617 F0. Từ khi có dịch đến nay, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 41.960 ca COVID-19 (riêng TP Cao Bằng 15.559 ca).

Từ ngày 15-3, các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn và các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được hoạt động theo quy định, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố được phép mở cửa trở lại; dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, trà đá vỉa hè, hàng ăn nhanh…) được hoạt động trở lại nhưng tối đa không quá 50%…

F0 khai báo y tế, test COVID-19 ở Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

– Đồng Tháp vừa có quyết định về việc chấm dứt, giải thể hoạt động 3 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn. Cụ thể gồm cơ sở tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khu ký túc xá phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh và Bệnh viện dã chiến Trường Quân sự.

Hiện nay số ca mắc mới ở tỉnh trung bình chỉ 40 – 50 ca/ngày. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là tiêm mũi 3 tại địa phương này hiện đang rất chậm so với yêu cầu. Đến ngày 13-3, toàn tỉnh đã tiêm được 3.221.707 liều vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tính đến nay, Đồng Tháp có 48.702 ca COVID-19, trong đó có 45.496 người đã khỏi bệnh (chiếm 94,6%), 987 ca tử vong. Số ca nặng/rất nặng đang điều trị là 53 ca.

– Liên tục gia tăng mạnh các ca mắc COVID-19 mới ở Tây Nguyên là tỉnh Đắk Lắk. Từ chiều 13 đến chiều 14-3, toàn tỉnh này ghi nhận thêm 3.986 ca, trong đó có 3.151 ca cộng đồng. Đến hết ngày 14-3, tổng số ca mắc ở Đắk Lắk là 79.390, đã điều trị khỏi, ra viện là 32.899 ca.

Theo đánh giá cấp độ dịch vừa công bố của Sở Y tế Đắk Lắk thì cả tỉnh này đã thuộc cấp độ 3 (vùng cam). Chỉ còn 3 xã vùng xanh là: Cư A Mung; Ea M’Doal; Đắk Phơi. Từ khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chuyển đổi công năng khu E thành khu điều trị bệnh nhi COVID-19 của toàn tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hàng trăm F0 là trẻ em. Trong đó đã điều trị khỏi cho khoảng 60 em.

Những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 mới ở Đắk Nông cũng tăng. Ngày 13 đến 14-3 có 999 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở tỉnh này lên 32.381 ca. Đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh Đắk Nông chỉ còn huyện Tuy Đức là ở cấp độ 2, còn các huyện/thành phố khác đều chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam).

Kon Tum ngày 14-3 công bố thêm 452 ca COVID-19 mới. Tổng số ca mắc trên địa bàn thống kê đến ngày 13-3 là 11.529 ca.

Khai Tâm

Đọc nhiều