8
category
395106

TP.HCM sẽ sống chung với nước?

22/05/2020 07:15

Sụt lún, nước biển dâng, ngập lụt ngày càng nghiêm trọng và theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ TP.HCM phải lên kịch bản sống chung với nước.

Mưa ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh

Ẩn số 2050

Hãng tin Bloomberg ngày 17.5 dẫn báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ McKinsey công bố ngày 4.4 cho biết: TP.HCM – đô thị lớn nhất của Việt Nam – sẽ phải đối mặt nguy cơ thảm họa lũ lụt ngày càng tăng do sự mở rộng cơ sở hạ tầng nhanh chóng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, nguy cơ xảy ra thảm họa này có thể tăng gấp 5 – 10 lần vào năm 2050, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỉ USD. Phân tích của McKinsey dựa trên các mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng và các đường cong thiệt hại.

TP.HCM sẽ sống chung với nước? - ảnh 1
TP.HCM cần có kịch bản cho nguy cơ chìm dưới mực nước biển trong vài chục năm tới

Công ty tư vấn này giới thiệu TP.HCM, đóng góp khoảng 1/4 GDP của Việt Nam, là một khu vực lũ lụt “kinh niên”. Trong khi đô thị này có thể đối phó với các rủi ro lũ lụt ảnh hưởng tới khoảng 23% diện tích thì quá trình đô thị hóa tiếp theo đang làm nguy cơ sụt lún đất và mực nước biển dâng tăng lên nhiều thêm nữa. Những điều này có thể gây thiệt hại lên tới 8,4 tỉ USD đối với ngành bất động sản vào năm 2050, gấp 6 lần tác động ước tính hiện tại. “Dù vậy, TP.HCM vẫn có đủ thời gian để thích ứng, tránh những rủi ro như vậy bằng cách lên kế hoạch tốt hơn, bao gồm phương án di dời nhà cửa và tài sản cơ sở hạ tầng khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Bên cạnh đó, đầu tư và gây quỹ cũng là điều cần làm để giảm thiểu nguy cơ với đường sá và các công trình tiện ích quan trọng khác”, báo cáo nêu rõ.

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM bị “dọa” chìm dưới nước biển vào năm 2050. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, tờ The New York Times dẫn nghiên cứu do Tổ chức khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên tạp chí Nature cho biết hiện tượng nước biển dâng sẽ xóa sổ nhiều thành phố lớn ven biển vào năm 2050. Climate Central cảnh báo phần lớn ĐBSCL có thể bị ngập do tác động của triều cường vào năm 2050, so với các dự báo trước đó về việc chỉ ngập một phần. Khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số cả nước, sẽ bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng. Phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước.

Trước đó, năm 2015, kết quả tính toán của Liên doanh tư vấn quốc tế Deltares – Royal Haskoning chỉ ra rằng với mức độ khai thác nước ngầm như hiện nay thì đến năm 2050 có nhiều nơi tại TP.HCM mặt đất sẽ bị lún thêm từ 0,5 m đến hơn 1 m. Điều này khiến tình trạng ngập lụt thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường.

Cần xây dựng kịch bản đối phó

Chưa biết 30 – 50 năm nữa miền Nam Việt Nam có “chìm” thật hay không, nhưng thực tế tình trạng ngập lụt tại TP.HCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Chỉ một vài cơn mưa đầu mùa cũng khiến nhiều khu vực trên các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) ngập tới hơn 30 cm. Đến mùa khô, người dân TP cũng không thoát khỏi cảnh khốn khổ lội nước vì triều cường. Trong 1 thập niên qua, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng ngày càng lên cao, năm sau “đè” năm trước.

Chưa tính đến nước biển dâng, quá trình đô thị hóa và các hoạt động khai thác nước ngầm không kiểm soát diễn ra ồ ạt thời gian qua cũng đang nhấn chìm TP.HCM. Kết quả đo đạc của Bộ TN-MT tại 347 mốc đo từ năm 2005 – 2017 ở TP.HCM cho thấy thành phố đang lún biến đổi từ 1,1 – 81,4 cm, trung bình 23,27 cm, tốc độ lún từ 0,09 – 6,78 cm/năm (trung bình 1,99 cm/năm). Với những “con số biết nói” trên, rõ ràng ngập lụt hay thậm chí một số khu vực có thể biến mất trong tương lai hoàn toàn không chỉ còn là nguy cơ.

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Trường đại học Cần Thơ, đánh giá xu hướng chống ngập tại TP.HCM hiện nay vẫn là đắp đê ngăn nước, làm các biện pháp công trình với mục tiêu “hong khô” các điểm ngập. Thực tế, tất cả biện pháp công trình đều không còn hiệu quả nữa, và vô cùng tốn kém.

TS Ni dẫn chứng trước đây Mỹ đã nhiều năm nghiên cứu các thành tựu kỹ thuật với niềm tin con người có thể chế ngự được thiên nhiên. Cho đến năm 2005, khi bão Katrina phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô thành phố khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, họ đã phải chấp nhận chịu thua ông trời. Chính quyền Mỹ sau đó đã phải chính thức tuyên bố đây là “khu vực ngập”, không cấm nhưng sẽ không bán bảo hiểm ngập cho bất cứ người dân nào mua nhà và sinh sống tại đây. “Nói vậy để thấy, đã đến lúc TP.HCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập. Cần thiết xây dựng kịch bản cho những thảm họa đã được cảnh báo”, ông Ni đề xuất.

Theo TS Dương Văn Ni, những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm TP.HCM hay ĐBSCL trong vài chục năm tới thật sự đáng lo ngại. Đây là lời cảnh báo mà các nhà lãnh đạo cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch.

Hà Mai/TN

Đọc nhiều