130115
topics
547685

TP.HCM sẽ mở cửa lại kinh tế như thế nào?

01/09/2021 17:38

TS Trần Hoàng Ngân cho biết các nhóm nghiên cứu đề xuất mở cửa lại TP.HCM khi độ phủ tiêm vaccine mũi một là 100%, với lộ trình từng bước và có sự hỗ trợ của công nghệ.

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết cơ quan này đang được UBND TP.HCM giao nghiên cứu và xây dựng lộ trình mở cửa trở lại một cách thận trọng, an toàn.

Nhóm nghiên cứu bao gồm Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, một số hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp cung ứng giải pháp về công nghệ.

Ông Ngân chia sẻ với Zing quan điểm của nhóm nghiên cứu về điều kiện mở cửa trở lại cũng như một số bước đi cụ thể.

lo trinh mo cua lai tp hcm anh 1
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà.

Phủ 100% vaccine mới mở cửa trở lại“Điều kiện đầu tiên và bắt buộc để mở cửa trở lại là phải phủ 100% vaccine mũi một cho người dân TP.HCM trên 18 tuổi”, ông Ngân nói. Ông nhấn mạnh bài học của thế giới là hầu hết quốc gia muốn nới lỏng hay mở cửa trở lại nền kinh tế thì phải có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Những nước chưa phủ được vaccine rất khó để mở cửa, bởi số ca bệnh nặng sẽ tăng cao, lúc đó gây gánh nặng đến hệ thống y tế, hệ thống sản xuất.

Theo tính toán, TP.HCM đã tiêm được gần 6 triệu người TP.HCM đã được tiêm vaccine mũi một, trong khi gần 300.000 người được tiêm mũi hai. Các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn cũng đã tiêm khoảng 500.000 liều vaccine. Như vậy, Bộ Y tế đánh giá khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Điều kiện đầu tiên và bắt buộc để mở cửa trở lại là phải phủ 100% vaccine mũi một cho người dân TP.HCM trên 18 tuổi

TS Trần Hoàng Ngân

“Từ nay đến 15/9, hy vọng thành phố sẽ phủ 100% mũi một cho toàn bộ người dân TP.HCM trên 18 tuổi”, ông nói.

Sau khi phủ 100% vaccine, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng sẽ phải cần có “khoảng chờ” ít nhất khoảng 2 tuần. Thời gian này sẽ giúp những người tiêm mũi một sinh kháng thể miễn dịch. Khi đó, TP.HCM mới tính đến việc mở cửa.

Trong khoảng chờ này, thành phố cần tận dụng để chuẩn bị những bước đi cụ thể để sống “thích nghi” với cuộc sống mới trong điều kiện dịch Covid-19.

Việc triển khai trở lại đội ngũ shipper hiện tại là một trong những bước đi thử nghiệm đó. Shipper được yêu cầu xét nghiệm Covid-19, khai báo y tế, giúp vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân từ các đơn vị cung ứng hàng hóa.

Doanh nghiệp được hoạt động khi nào?

Sau giai đoạn “khoảng chờ”, nhóm nghiên cứu dự kiến đề xuất UBND TP.HCM tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có người lao động đã được tiêm vaccine, trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. “Kịch bản chi tiết mở cửa theo lộ trình thế nào vẫn đang được nghiên cứu và bàn luận một cách cẩn trọng”, ông Ngân nói.

Tiết lộ thêm, ông Ngân cho biết các đơn vị nghiên cứu cùng với một doanh nghiệp công nghệ cung ứng giải pháp đang xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát điện tử cho toàn bộ doanh nghiệp và người dân TP.HCM.

Khi đó, thông qua giải pháp công nghệ, mỗi doanh nghiệp sẽ chủ động nắm được hồ sơ y tế toàn bộ nhân viên của mình, trong đó có việc đã được tiêm vaccine hay chưa. Thành phố cũng nắm được thông tin của các doanh nghiệp, dễ dàng kiểm tra ở bất cứ đâu và thời điểm nào. Các phần mềm khai báo y tế cũng được thống nhất tạo ra sự thuận tiện cho người dân.

Doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ đi kèm với các điều kiện về giãn cách, quy định 5K của Bộ Y tế. Khi đó, thay vì sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp được chủ động xây dựng phương án sản xuất của doanh nghiệp mình sao cho chủ động và phù hợp, có sự giám sát của thành phố.

lo trinh mo cua lai tp hcm anh 2
Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM đang sụt giảm mạnh do Covid-19. Đồ họa: Hà My.

“Cần nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nắm được hồ sơ y tế của người lao động, như nơi khai báo y tế, tiêm vaccine… để có hoạt động hợp lý”, ông Ngân nói.

TP.HCM cũng sẽ củng cố hệ thống y tế bằng việc tăng thêm năng lực trạm y tế phường, lập thêm trạm trong chính các cơ quan, trong nhà máy, đơn vị sản xuất, trạm y tế khu vực…

Khi đã có độ phủ vaccine cùng với sự hỗ trợ của trạm y tế cơ sở, nếu doanh nghiệp phát hiện có ca F0, chỉ cần bóc tách ra khỏi nhà máy mà không phải dừng cả hoạt động cả dây chuyền. F0 được điều trị ngay tại trạm y tế phường xã, xí nghiệp hoặc trong có thể là tại nhà.

“Khi mở cửa trở lại, chúng ta phải thích nghi với Covid-19”, ông nhấn mạnh một lần nữa.

Ý thức để sống “thích nghi” với dịch Covid-19

Thông qua cách quản lý về công nghệ, người dân cũng có thể tìm địa điểm tiêm vaccine mũi 2 ở bất cứ đâu, sao cho thuận tiện nhất cho bản thân mình, chứ không nhất thiết phụ thuộc vào vùng địa lý hoặc nơi mình sinh sống.

TS Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh khi các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại thì hệ thống logistics đóng vai trò rất quan trọng. Đối tượng người vận chuyển, giao nhận cũng đã được bàn tới và đặt vấn đề quản lý ra sao.

Ông cho biết hiện nay thành phố đang đưa ra những thí điểm từng bước để cho đội ngũ shipper, một phần của hệ thống logistics hoạt động trở lại. Shipper sẽ được quản lý qua mã QR định danh của từng người. Từ đó gắn trách nhiệm khai báo y tế của chính hộ, giúp giám sát hoạt động một cách an toàn.

“Nếu coi các nhà máy, doanh nghiệp là nơi an toàn thì mối liên kết giữa họ là hệ thống logistics cũng phải an toàn và hợp lý”, ông Ngân chia sẻ.

lo trinh mo cua lai tp hcm anh 3
Theo TS Trần Hoàng Ngân, những điểm mất chốt để mở cửa lại TP.HCM là vaccine, quản lý bằng công nghệ và ý thức của cộng đồng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cuối cùng, TS Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh việc có sống “thích nghi” với dịch Covid-19 thành công hay không thì từng người dân phải nâng cao ý thức của chính bản thân mình. Từng hành động trong cuộc sống sẽ giúp bản vệ an toàn cho bản thân và cho cộng đồng.

Ông lấy ví dụ, khi TP.HCM thực hiện “ai ở đâu thì ở yên đó” mà tỷ lệ lây bệnh vẫn còn, nghĩa là vẫn có những rủi ro dẫn đến lây nhiễm. “Người dân có thể ra khỏi nhà để tiêm vaccine, đi xét nghiệm hoặc nhận hàng hóa. Từng việc như vậy cũng cần xem xét lại xem đã đủ an toàn hay chưa”, ông nhận định.

Do đó, ông cho rằng bất kể một hành động nhỏ, người dân cũng đều phải đảm bảo an toàn theo thông điệp 5K. Người dân cũng có thể giám sát lại hệ thống y tế và cơ quan chức năng đã đảm bảo an toàn cho mình khi xét nghiệm hay tiêm chủng hay chưa. Khi nhận hàng hóa cần chú ý giữ khoảng cách và khử khuẩn cẩn thận.

Hiếu Công

Đọc nhiều