130115
topics
520696

TP.HCM sẽ có tiếp các ổ dịch do nhiều nguồn lây chưa phát hiện

29/05/2021 16:29

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định thời gian tới có thể tiếp tục có các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát. 

Sáng 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

TP.HCM sẽ có tiếp các ổ dịch do nhiều nguồn lây chưa phát hiện - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại điểm cầu ở UBND TP.HCM.

`Nguy cơ lây nhiễm tòa nhà văn phòng khá cao

Tại hội nghị, nói về nguy cơ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng TP hiện đang lưu hành cả hai biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng do chủng Ấn Độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo này.

Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh và mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao.

Lý giải về nhận định này, ông Phong cho rằng do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt. “Thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận, như bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton, một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Con-cen-trix thuộc công viên phần mềm Quang Trung” – ông Phong nói.

Về nơi lây nhiễm, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè.

“Như vậy, ngoại trừ sự lây nhiễm từ sinh hoạt đặc biệt của một tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm” – ông Phong nói và cho biết thực tế đã ghi nhận BN6296 đã lây bệnh cho ba người làm cùng công ty và một người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ.

Hoặc BN6291 đã lây bệnh cho bốn bệnh nhân khác cùng làm công ty Con-cen-trix tại Công viên phần mềm Quang Trung. “Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM” – ông Phong nói.

Về biểu hiện bệnh, ông Phong cho biết các chuỗi lây nhiễm đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh. Ngoài ra chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca phát hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong TP.HCM mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, ông Phong cho biết TP.HCM cũng đã ghi nhận hai ca bệnh làm việc trong hai khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra, cũng không loại trừ, có thể có một số người sinh hoạt Hội thánh truyền giáo Phục hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp.

Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động.

“Có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện” – ông Phong nhận định.

TP.HCM sẽ có tiếp các ổ dịch do nhiều nguồn lây chưa phát hiện - ảnh 2
Toàn cảnh điểm cầu ở TP.HCM.

TP.HCM đưa ra hàng loạt giải pháp phòng chống dịch

Chính vì thế, trong thời gian tới, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính.

Giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm.

Cùng đó, áp dụng các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch của TP và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số an toàn; các đơn vị không bảo đảm an toàn, đình chỉ hoạt động, xử lý theo quy định.

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người….

Kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả ba đường: Đường không, đường bộ, đường thủy. “Mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực phải chủ động phòng thủ cho chính nơi làm việc theo hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế” – ông Phong nói.

Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước TP nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà.

Tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên, để mọi người hiểu rằng phòng chống là cần thiết cho chính bản thân họ, gia đình họ, những người xung quanh và cho cả cộng đồng.

Ngoài ra, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh.

Trong vận hành sản xuất mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra, phối hợp y tế địa phương xử lý

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng. Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, rút giấy phép những cơ sở lưu trú cho đối tượng nhập cảnh trái phép lưu trú.

Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý dập dịch, phát huy năng lực xét nghiệm 35.000 – 40.000 mẫu đơn/24 giờ và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị 5.000 người bệnh; tăng cường các biện pháp phòng thủ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch trong cơ sở y tế.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng gồm chín khu của quân đội và một khu của Ký túc xá Đại học Quốc gia với công suất 19.520 giường, cùng với các khu cách ly hiện hữu khi đó TP.HCM có khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.

Tổ chức tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên và đảm bảo tiến độ. Qua hai đợt đã tiêm 64.272 mũi cho các đối tượng: 59.959 nhân viên y tế, 4.313 nhân viên sân bay, cảng biển và cơ sở cách ly tập trung. Đã chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt ba với 73.900 liều.

2 kiến nghị, đề xuất của TP.HCM với Chính phủ

Trong bối cảnh phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng, TP.HCM đề xuất Chính phủ có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.

Về cung ứng vaccine, người trên 18 tuổi của TP.HCM hiện là 7,2 triệu người. Các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 21 ngày 26-2-2021 của Chính phủ do ngân sách hỗ trợ được TP.HCM đăng ký nhận vaccine với Bộ Y tế là 1,6 triệu người.

Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí do TP.HCM bố trí gồm ngân sách, nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ… khoảng 5,6 triệu người.

Vì thế, TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vaccine này.

Tá Lâm

Đọc nhiều