148628
topics
556283

TP.HCM sẽ có phương án mới cho người dân đi lại với 4 tỉnh giáp ranh

07/10/2021 17:18

Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố và trả lời các vấn đề người dân quan tâm.

TP.HCM và 4 tỉnh giáp ranh chưa thể thống nhất việc lưu thông của người lao động

TP.HCM sẽ làm việc với từng tỉnh giáp ranh để lên phương án đi lại

Ông Bùi Hoàng An, Phó Giám đốc sở GTVT cho biết, vừa qua, Sở đã gửi văn bản đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An…để thống nhất việc di chuyển của người lao động. Đến nay, Sở đã nhận được các phản hồi, tuy nhiên mỗi tỉnh lại có đề xuất, yêu cầu, ý kiến khác nhau về tiêm vắc xin, xét nghiệm… nên chưa thể thống nhất phương án di chuyển của TP.HCM với các tỉnh này.

“Do đó, Sở GTVT đang tổ chức xây dựng lại phương án di chuyển của người lao động với từng tỉnh”, ông An cho biết.

Ông An thông tin thêm, người lao động muốn trở lại TP.HCM làm việc từ các tỉnh, thành khác thì phải thực hiện theo Chỉ thị 18 của TP (phải đáp ứng tiêu chí là người khỏi bệnh Covid-19 hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày).

Về hồ sơ giải quyết cho người dân xin đi các tỉnh đón người thân, ông An thông tin, đến nay đã nhận được hơn 9.000 hồ sơ, xử lý được 1/3 trong số này. Cơ quan chức năng cố gắng hoàn thành trong 48h để giải quyết cho người dân.

TP.HCM có nhiều hiệu quả tích cực sau 1 tuần bình thường mới

Đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch của TP.HCM sau 1 tuần bình thường mới, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cở sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm; công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực.

binh thuong moi tai TP.HCM anh 1
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

3 quận có tỷ lệ chi trả gói hỗ trợ cao nhất

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTBXH), thông tin về số liệu chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3. Theo đó, đến nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người. 3 quận có tỷ lệ chi trả cao nhất, đạt trên 90% là Phú Nhuận, quận 5 và quận 1.

Với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện, TP tại TP.HCM sẽ vượt trên 50% và sẽ hoàn thành nhiệm vụ chi trả. “Theo kế hoạch, đến 15/10, TP sẽ kết thúc chi trả đợt 3. Với tiến độ này, sở dự đoán sẽ hoàn thành tiến độ. Sáng nay, Sở LĐTBXH họp giao ban, đánh giá khó khăn trong chi trả đợt 3 để khắc phục”, ông Lâm cho biết.

Đầu tháng 1/2022, học sinh TP.HCM có thể trở lại trường

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết thời gian qua, Sở đang triển khai dạy và học trực tuyến. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ học trực tuyến khá cao, khối tiểu học trên 97%, THPT trên 99%. Khối tiểu học có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, với hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học ở các địa bàn tỉnh, thành phố khác.

Sở GD&ĐT nhận định còn nhiều khó khăn trong dạy và học vì với số lượng lớn, cùng lúc đăng nhập hệ thống khiến hệ thống bị tê liệt, thiết bị gặp khó khăn. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng khả năng phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trong bối cảnh dịch này khó để cải thiện.

Cách dạy tại TP có khác so với các tỉnh thành. Việc dạy không chỉ có livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học với học sinh trong giờ học. Hiện, TP có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.

Sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong việc triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học trong 2 tuần đầu, việc tiếp nhận kiến thức đối với khối tiểu học khá tốt. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú nên đáp ứng được khá tốt.

Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch, học sinh quay trở lại, TP có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng. 10% số cơ sở được trả lại cho ngành giáo dục để khử khuẩn, phục hồi, dạy trở lại. “Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần, dự kiến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao và ngành giáo dục có khoảng một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở”, ông Hiếu nói và cho biết thành phố dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh TP.HCM có thể đồng loạt trở lại trường.

Sở GTVT TP.HCM đã giải quyết hơn 30% số hồ sơ gửi tới

Chiều 6/10, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết cơ quan nhận được rất nhiều email của người dân xin di chuyển liên tỉnh. Để xử lý email thì phải xử lý thủ công (đọc, phân loại, xử lý).

Sở chia thành 2 nhánh – phân loại email và chuẩn bị công nghệ để phục vụ việc này.

binh thuong moi tai TP.HCM anh 2
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM.

Chiều ngày 6/10, sở chạy thử quy trình này trên app cổng thông tin điện tử của sở, kết quả cho thấy việc thực hiện hồ sơ nhanh hơn. Sở đã giải quyết hơn 30% số hồ sơ gửi tới.

Việc lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, ông An cho biết phương án phụ thuộc vào các tỉnh. TP.HCM đã gửi văn bản đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh để thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị. Đến nay, sở đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý. Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện vaccine, xét nghiệm nên đến giờ này chưa thể thống nhất. “TP đang xây dựng phương án đi lại giữa TP.HCM và từng tỉnh cụ thể, dự kiến sẽ có phương án trong ngày 8/10”, ông An cho hay.

28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết có 28/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã mở lại, tập trung vào các quận như quận 5 (5 chợ ) Củ Chi (7 chợ) và Cần Giờ (8 chợ).

binh thuong moi tai TP.HCM anh 3
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.

Dự kiến ngày 8/10, 3 chợ sẽ tiếp tục được mở lại. Về nguồn hàng về chợ đầu mối, ông cho biết loại hình này chưa hoạt động trở lại nhưng có khu tập kết trung chuyển hàng đang hoạt động ổn định, nguồn hàng về TP.HCM tăng dần so với trước ngày 1/10.

Cụ thể, trước 1/10, TP có 800-900 tấn/ngày, nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày. Về khó khăn của các địa phương, ông cho biết Sở Công Thương chưa nhận được phản ánh về khó khăn trong mở lại chợ truyền thống. Các quận, huyện, TP đang khẩn trương rà soát để đảm bảo an toàn khi mở lại chợ cho người dân mua sắm.

TP.HCM duy trì tối thiểu 900 giường ICU trong bình thường mới

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện rút quân. Ngay từ khi lực lượng chi viện mới vào, TP.HCM đã chuẩn bị cho việc khi giãn dịch, các hoạt động đó sẽ ra sao. Hàng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban với các tầng để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện và từng cá thể tham gia.

Trong quá trình giao ban, các bên học tập lẫn nhau và có nhận thức cũng như tập huấn về việc chuyển tuyến giữa 3 tầng điều trị. Sự chuẩn bị thứ 2 là tập huấn và đào tạo. Toàn bộ nhân viên của ngành y tế khi tham gia điều trị Covid-19 đều được các bệnh viện tập huấn, đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận công việc khi các đội ngũ chi viện rút đi.

Bà Mai cho biết Sở Y tế và các sở, ngành đang tham mưu cho UBND TP.HCM theo hướng tái cấu trúc ngành y tế. Các bệnh viện cấp thành phố cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình. “Ngành y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống để đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở oxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế”, bà Mai cho biết.

Số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số

Ngày 6/10, TP.HCM có 1.205 bệnh nhân nhập viện và 2.740 bệnh nhân xuất viện, 92 trường hợp tử vong. Địa phương này đang điều trị cho 20.905 bệnh nhân, trong đó có 631 bệnh nhân nặng phải thở máy.

Từ 2/10 đến nay, số ca tử vong tại TP.HCM liên tục dưới 3 con số (trừ ngày 4/10). Ngày 2/10 – 79 ca; ngày 3/10 – 93 ca; ngày 5/10 – 88 ca; ngày 6/10 – 92 ca.

Tại họp báo ngày 4/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc chỉ định sử dụng máy thở và thiết bị hỗ trợ hồi sức tích cực, trong đó có ECMO là kỹ thuật khó. Đây là biện pháp hỗ trợ oxy hóa màng ngoài cơ thể sau cùng khi nhân viên y tế đã sử dụng tất cả biện pháp hồi sức cấp cứu nhưng không thành công.

“Trường hợp không có bệnh nhân nào phải thở ECMO là rất mừng, bởi họ đã cai được ECMO hoặc cũng có thể là bệnh nhân đã tử vong do không thể cứu chữa. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện chung, số ca tử vong tại thành phố giảm, nhiều khả năng bệnh nhân đang điều trị ECMO đã chuyển nhẹ và được chuyển về tầng thấp hơn để điều trị”, bà Mai nói.

Từ 18h ngày 5/10 đến 18h ngày 6/10, TP.HCM đã lấy 60.627 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.436 mẫu đơn và 113 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 57.775 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 6/10 là 7.013.921 mũi 1 và 4.951.439 mũi 2.

Từ 18h ngày 30/9, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi kinh tế. Theo đó, TP.HCM cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại; trong đó, lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động.

TP.HCM tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.

Tính đến 6/10, TP.HCM ghi nhận gần 404.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đô thị lớn nhất cả nước từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.

Hồng Anh 

Đọc nhiều