130115
topics
551477

TP.HCM sẽ có chiến lược điều trị Covid-19 như thế nào khi mở cửa?

18/09/2021 19:16

Phát biểu tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố TP HCM cho biết TP sắp tới sẽ thực hiện  ba chiến lược điều trị Covid-19 trong giai đoạn mở cửa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố TP HCM, tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 chiều 18/9, cho biết trong giai đoạn mở cửa TP HCM sẽ từng bước nới rộng giãn cách xã hội dựa vào tình hình diễn biến dịch của thành phố.

“Khi an toàn thì mới mở cửa và mở cửa phải bảo đảm an toàn”, bác sĩ Châu nói.

Thông tin thêm về tỷ lệ tử vong tại TP, bác sĩ Châu cho biết qua biểu đồ số ca tử vong đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số ca tử vong phản ánh một quá trình điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. Hiện, theo thống kê, TP có khoảng 1.000 bệnh nhân phải thở máy.

“Ngành y tế đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng, hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm và giảm đáng kể” – bác sĩ Châu nói.

Theo Sở Y tế, tổng số mũi vaccine Covid-19 đã tiêm đến ngày 17/9 là 8.667.552, trong đó tổng số mũi một là 6.713.412, mũi hai là 1.954.140. Như vậy, hiện nay độ phủ mũi một đã đạt hơn 90%, thành phố đang tiếp tục tiêm phủ, tiến tới lộ trình đạt 100% mũi hai.

Khi đã có vaccine bao phủ thì chiến lược điều trị Covid-19 trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba điểm:

Thứ nhất là quản lý F0 xuất viện tại cộng đồng. Thứ hai là tăng cường hệ thống điều trị các tầng của bệnh viện để đảm bảo với F0 tại nhà được chăm sóc tốt sẽ tự hồi phục. Trường hợp nào diễn tiến nặng thì kịp thời phát hiện, chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng hai và ba, đảm bảo điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong.

Thứ ba, thành phố sẽ giám sát liên tục việc lấy mẫu, triển khai xét nghiệm để phát hiện sớm người nguy cơ cao nhiễm Covid-19, kịp thời tiếp nhận, theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, sau 16/9 thành phố tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo vùng màu. Vùng đỏ nguy cơ cao xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày, bằng cả test nhanh hoặc RT-PCR tất cả người dân. Vùng vàng xét nghiệm gộp mẫu 5, vùng xanh gộp 10 theo đại diện hộ gia đình.

“Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc nhiều người khác”, bác sĩ Tâm nói. Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy hai người, tần suất lặp lại 5-7 ngày một lần.

Một sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch đã được cứu sống cả mẹ và con đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngày 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Một sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch đã được cứu sống cả mẹ và con, đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngày 13/9. Ảnh: Quỳnh Trần

Sở Y tế đã gửi UBND TP HCM Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9. Theo đó, để tăng cường 3 tầng điều trị Covid-19, thành phố sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao công suất 10 bệnh viện và trung tâm hồi sức quốc gia đến khi kiểm soát được dịch; giữ cơ sở hạ tầng ba trung tâm đặt tại bệnh viện dã chiến để sẵn sàng hoạt động nếu dịch tái phát.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong, Sở Y tế tiếp tục định kỳ tổ chức giao ban giữa 81 bệnh viện thuộc tầng hai và 10 cơ sở tầng ba, “bệnh viện chị – em”, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Bệnh viện tầng ba tăng cường chuyển giao kỹ thuật về hồi sức cấp cứu xuống tầng hai, điều phối trang thiết bị hồi sức chuyên sâu.

Ngành y tế cũng có kế hoạch ưu tiên chuyển đổi các bệnh viện về chức năng ban đầu, khi dịch bệnh ổn định, để tiếp nhận người bệnh không phải Covid-19. Đồng thời, thành phố duy trì một số bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị Covid-19. Các bệnh viện quận, huyện khi tái cấu trúc trở về công năng ban đầu vẫn phải đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh Covid-19 với quy mô tối thiểu là 20-40 giường có oxy, tùy theo từng bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo

Trong mũi nhọn chăm sóc, quản lý F0 tại nhà và cộng đồng, các phường xã được yêu cầu tiếp tục quản lý danh sách F0 trên địa bàn, sàng lọc các điều kiện cách ly tại nhà, đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở (trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động, y tế tư nhân) và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (gói A, B và C).

Chia sẻ thêm về tình hình bệnh nhân Covid-19 tử vong, bác sĩ Châu cho biết số ca tử vong trong tuần qua đang có xu hướng giảm. Số liệu của Sở Y tế cho thấy ngày 13/9 là 199 ca, ngày 14/9 là 189, ngày 15/9 là 160, ngày 16/9 là 166, ngày 17/9 là 165 ca. Con số tử vong phản ánh quá trình điều trị kéo dài từ lúc bệnh nhân nhập viện đến diến tiến nặng, phải hồi sức. Hiện nay theo thống kê số bệnh nhân nặng mới nhập viện đã giảm rất nhiều tại tầng hai và ba, so với các giai đoạn dịch trước đây. Hiện nay tầng ba có hơn 1.000 bệnh nhân đang thở máy, đội ngũ y tế ở các trung tâm hồi sức đang cố gắng cứu chữa.

“Hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng sẽ giảm đáng kể”, bác sĩ Châu nói. Trước đó, mục tiêu “giảm tỷ lệ tử vong” được đặt lên hàng đầu trong chiến lược chống dịch giai đoạn từ 15-31/8 ở TP HCM.

Tính đến 18h ngày 17/9, thành phố ghi nhận 327.331 ca Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Hiện điều trị 41.152 bệnh nhân, trong đó có 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.420 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).

2.270 bệnh nhân xuất viện trong ngày 17/9, nâng tổng số F0 xuất viện từ đầu năm đến nay lên 166.564. Tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 13.099.

Thư Anh

Tags :
Đọc nhiều