130115
topics
532288

TP.HCM quá tải nguồn lực điều trị COVID-19

14/07/2021 09:44

Đến tối 13-7, TP.HCM có hơn 16.000 ca COVID-19. Số ca bệnh liên tục tăng cao ở mức 4 con số đang tạo áp lực rất lớn cho nguồn lực và vật lực điều trị đang quá tải.

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19 - Ảnh 1.
Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 ở TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Chỉ sau vài ngày được Bộ Xây dựng thẩm định đủ điều kiện sử dụng, khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 tại TP Thủ Đức đã nhanh chóng được chuyển đổi thành Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.

Trong sáng 13-7, lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đã khảo sát lần cuối trước khi đưa trung tâm này vào hoạt động.

Nhu cầu hồi sức tăng cao

Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết điểm thuận lợi nhất của trung tâm này chính là cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn).

Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm, bên cạnh oxy và hút trung tâm. Đây là hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.

Để vận hành trung tâm này, ngành y tế huy động các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP cùng với đội ngũ do Bộ Y tế điều động từ các tỉnh thành.

“Nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế. Và nguồn nhân lực này vẫn sẽ rất cần trong thời gian tới khi số người mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng cao” – ông Thượng nói.

Trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO… cũng đang được huy động từ nguồn lực sẵn có tại các bệnh viện và trang thiết bị được phân bổ từ nguồn tài trợ, chi viện của các tỉnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao bố trí 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc.

TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện năng lực tối đa của bệnh viện có thể bố trí khoảng 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

Trong đợt dịch này, đơn vị đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Các nhân viên đều phải gồng gánh công việc cho nhau, hầu như không ai nghỉ ngơi. Sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức, theo ông Thức, không phải chuyện dễ mà phải “rất căng kéo”.

“Ngoài các vấn đề về cơ chế, hệ thống oxy, khí nén không phải muốn là làm liền được. Hiện chúng tôi đang suy nghĩ đàm phán với Đại học Bách khoa TP.HCM xem có thể sản xuất được hệ thống này trong vài tuần hay không” – ông Thức nói.

Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết lượng ca bệnh có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại khi số lượng bác sĩ và máy móc chuyên về hồi sức rất hạn chế.

Theo bác sĩ này, điều trị suy hô hấp hiện chỉ có bác sĩ chuyên hô hấp, nhiễm, hồi sức tích cực là “thuận tay”. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, hiện có một số bác sĩ chuyên khoa khác đang được điều động tham gia hồi sức, cấp cứu người bệnh.

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19 - Ảnh 2.
Nhân viên bệnh viện chuẩn bị mùng, mền, giường, gối… trang bị cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 chiều 11-7 – Ảnh: TỰ TRUNG

Lo lắng không kịp chăm sóc bệnh nhân

Không chỉ ở khối điều trị bệnh nhân nặng cần hồi sức, các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng.

Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.

“Nếu so với tiêu chuẩn của một bệnh viện, lực lượng này quá mỏng. Mỗi ngày chúng tôi phải cố gắng thăm khám tối thiểu 2 lần/ngày, ai cũng nỗ lực làm việc hết sức. Nhưng với số lượng nhân viên y tế quá ít, quả thật rất lo lắng không kịp thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân” – bác sĩ Tâm chia sẻ.

Còn bác sĩ Phạm Gia Thế – phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 – cho biết sau 7 ngày hoạt động bệnh viện tiếp nhận 2.000 ca không có triệu chứng. Từ 25 nhân viên y tế ban đầu, bệnh viện vừa được chi viện 2 lần đến nay nâng tổng số 100 người. Ngoài ra bệnh viện được bố trí thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ.

“Bệnh viện rất cần chi viện thêm y bác sĩ mới có thể chăm sóc chu đáo cho người bệnh. Ngoài ra, số bệnh nhân quá lớn nên việc cung ứng các đồ dùng cá nhân cho bệnh nhân vẫn chưa thể đáp ứng” – ông Thế nói.

Trong khi đó bác sĩ Lê Mạnh Hùng – giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ – cho biết bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng, thường xuyên vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên nhưng hiện không có xe cứu thương, có khi phải đợi vài tiếng mới có xe từ các bệnh viện tiếp ứng.

“Cần Giờ cách xa trung tâm, thời gian di chuyển cũng gần 2 giờ nên nếu tốt nhất phải có một chiếc xe cứu thương để chuyển bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp” – ông Hùng đề xuất.

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19 - Ảnh 3.
Nguồn: H.L. tổng hợp – Đồ họa: T.ĐẠT

TP.HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà

Tối 13-7, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản về việc thực hiện thí điểm cách ly tại nhà đối với F0 không có triệu chứng là nhân viên y tế.

Ngoài ra, các F0 không triệu chứng đang điều trị tại các bệnh viện, xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp) thì chuyển cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, chống lây nhiễm.

Cơ quan y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hằng ngày của các F0 cách ly tại nhà, nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phải khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết với tư cách là trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, ông ủng hộ phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà theo đề xuất của TP.HCM.

“Chúng tôi ủng hộ phương án này và đang báo cáo Bộ Y tế để giao Cục Quản lý khám chữa bệnh sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này”, ông nói.

Cần khoảng 1.500 bác sĩ và 5.500 điều dưỡng

Theo Sở Y tế, thời gian qua TP.HCM đã tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức) và kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn hỗ trợ công tác điều trị.

Sắp tới TP.HCM sẽ phải cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng (800 – 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị.

Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ được bố trí chăm sóc người bệnh không triệu chứng, có triệu chứng, hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ngoài ra, lực lượng hỗ trợ sẽ bổ sung cho các bệnh viện gián tiếp điều trị COVID-19 và chia lửa để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nguồn nhân lực chăm sóc điều trị cho bệnh nhân của TP.HCM đang “căng hết sức” và đang phải huy động khoảng 7.000 người từ trung ương, các địa phương hỗ trợ.

“Nhân lực về hồi sức hiện đang thiếu và yếu cho nên Bộ Y tế đã điều động nhân lực tăng cường từ một số bệnh viện như Bệnh nhiệt đới trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy hỗ trợ nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế tại chỗ” – ông Sơn nói.

Đến nay, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện trung ương tại TP.HCM.

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19 - Ảnh 6.
11 bác sĩ và 28 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 – Ảnh: P.T

Phân bổ thêm vắc xin COVID-19 cho TP.HCM

Bộ Y tế ngày 13-7 cho biết Nhật Bản thông báo tiếp tục tài trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất, nâng tổng số vắc xin Nhật tài trợ cho Việt Nam trong 1 tháng vừa qua lên 3 triệu liều. Lô vắc xin 1 triệu liều này sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 16-7.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phân bổ hơn 746.000 liều vắc xin Pfizer sẽ về Việt Nam trong tháng 7. Số vắc xin này sẽ được phân bổ theo 4 đợt, trong đó TP.HCM được phân bổ nhiều nhất, kế đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang…

Trong số các cơ sở y tế, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ nhiều nhất.

Theo Bộ Y tế, ngày 13-7 cả nước ghi nhận 2.301 ca COVID-19 mới, TP.HCM nhiều nhất với 1.797 ca, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An… cũng đều có số mắc tăng cao.

Cho đến nay tổng số ca mắc ghi nhận tại Việt Nam lên đến 34.500, trong đó từ ngày 27-4 đến nay có trên 31.000 ca.

L.ANH

Hoàng Lộc – Thu Hiền

Đọc nhiều