TP.HCM: Nhiều nhà vệ sinh công cộng tại khu “đất vàng” đã đi vào hoạt động
Ngoài ra, 29 nhà vệ sinh công cộng sẽ được xây mới tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển trên địa bàn TP HCM. Tổng vốn đầu tư khoảng 5,6 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường TP HCM, khu đất 8-12 Lê Duẩn và số 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được Trung tâm phát triển quỹ đất (trực thuộc Sở) bàn giao cho UBND quận 1 và Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong (nhà đầu tư). Ngày 6-5, nhà vệ sinh công cộng tại 2 vị trí này đã chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 27-4, UBND quận 1 đã bàn giao mặt bằng khu đất dự án tại số 8 Nguyễn Trung Trực cho Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (chủ đầu tư). Đến ngày 31-5, nhà vệ sinh công cộng tại khu “đất vàng” này đã chính thức đi vào hoạt động, giải quyết nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, nhà vệ sinh công cộng tại khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ cũng đã đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân và du khách hồi cuối tháng 5. Khu đất này được Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) bàn giao mặt bằng cho UBND quận 1 và Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (chủ đầu tư) hồi giữa tháng 5.
Trong khi đó, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) cho biết dự án mở rộng khách sạn Majestic tại số 2-4-6 Nguyễn Huệ đã được khởi công vào năm 2013 và đã thi công hoàn thành phần ngầm vào tháng 4-2017.
Hiện Saigontourist đang triển khai phần thân của dự án theo gói thầu thi công số 1. Đơn vị này khẳng định luôn đồng thuận với chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng, vì vậy sau khi hoàn thành dự án mở rộng khách sạn Majestic sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng khu vực vệ sinh của khách sạn khi có nhu cầu.
Ngoài ra, 29 nhà vệ sinh công cộng sẽ được xây mới tại các cảng, bến thủy nội địa, bến phà, bến xe, bãi đỗ xe, trạm trung chuyển trên địa bàn TP HCM. Tổng vốn đầu tư khoảng 5,6 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách.
Kế hoạch này vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, toàn thành phố có 5 bến xe khách liên tỉnh đang quản lý và khai thác tổng cộng 100 nhà vệ sinh công cộng hiện hữu với tổng diện tích 1.782 m2. Những NVSCC này phục vụ bình quân hàng ngày trên 44.000 lượt khách.
Trong đó, bến xe Miền Đông mới có 70 nhà vệ sinh được đầu tư khang trang, hiện đại. 4 bến còn lại có 30 nhà vệ sinh và đều đảm bảo hoạt động tốt.
Đối với hệ thống bến xe buýt, bãi kỹ thuật xe buýt, trạm trung chuyển, TP hiện có 16 bến với 23 nhà vệ sinh. Trong số này, 16 nhà vệ sinh xuống cấp và hiện đang có kế hoạch duy tu, sửa chữa trong năm 2023 và 2024.
Trong 94 bến thủy nội địa, 64 bến có nhà vệ sinh, 30 bến chưa có và đang được các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng mới.
Để đảm bảo pháp lý đất đai khi xây dựng nhà vệ sinh công cộng, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP hướng dẫn, hỗ trợ các Sở, ngành, cơ quan quản lý trong việc xác định, bố trí quỹ đất và trình tự thủ tục bàn giao đất, ban hành thiết kế mẫu để thực hiện đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng mới theo hướng hiện đại, tiện nghi và hiệu quả.
Ngoài đầu tư mới 29 nhà vệ sinh công cộng, năm 2023 – 2024, TP HCM sẽ sửa chữa, nâng cấp 16 nhà vệ sinh công cộng tại các bến xe buýt, kinh phí khoảng 5,4 tỉ đồng.
Bích Vân