130115
topics
531488

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới

11/07/2021 05:58

Trong những ngày giãn cách xã hội tại TP.HCM, việc đi chợ theo ngày chẵn lẻ hay để nhân viên siêu thị đi chợ hộ đã xuất hiện.

Ủng hộ, không chen lấn 

9h30 sáng, bà Phạm Thị Lan (phường 14, quận 3) cầm trên tay tờ phiếu mua hàng được tổ trưởng dân phố cấp. Bà Lan đứng trong hàng người đang chờ đợi vào siêu thị Coopmart Nhiêu Lộc. Theo bà Lan, phiếu được cấp cho bà là ngày chẵn, do vậy nên hôm nay (10/7) là ngày những người có phiếu được đi mua sắm tại siêu thị.

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới
Người dân xếp hàng tại siêu thị nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)

Hiện cả 4 chợ trên địa bàn quận đã tạm đóng cửa để phục vụ công tác phòng, chống dịch, do vậy người dân chỉ có thể đi mua hàng tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Tuy người chờ đợi xếp hàng dài nhưng bà Lan cũng khá thoải mái.

“Đợi có lâu một chút nhưng để đảm bảo phòng, chống dịch thì tôi ủng hộ. Chỉ mong lát đến lượt vẫn còn thức ăn để mua”, bà Lan nói.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (phường 10, quận 3) cũng được cấp một thẻ đi chợ. Tuy nhiên, theo ông Sinh thì không cần thẻ cũng vẫn có thể vào siêu thị, nhưng thời gian chờ đợi lâu hơn.

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới
Phiếu mua hàng tại siêu thị quận 3.

“Tôi nghĩ họ ưu tiên cho những người dân đang sống tại địa bàn hơn. Tôi đứng ngoài chờ bà xã đang mua đồ ở trong. Xếp hàng cũng phải 1 tiếng đó, không nhanh được đâu”, ông cho biết.

Chính quyền quận 3 bắt đầu áp dụng phát phiếu mua hàng tại hai siêu thị Coopmart phân theo địa bàn và ngày chẵn lẻ từ ngày 9/7. Theo đó, từ phường 1 đến phường Võ Thị Sáu: người dân đi chợ ở Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, từ phường 9 đến phường 14: người dân đi chợ ở Coopmart Nhiêu Lộc.

Theo ghi nhận, trong sáng nay (10/7) lượng người đến cả hai siêu thị thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM nói trên ở mức tương đối, không có sự chen lấn.

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới
Nhân viên cửa hàng trao đổi với khách về mặt hàng cần “đi chợ hộ”

Trong khi đó, tại một cửa hàng tiện lợi ở quận Bình Thạnh. Nhân viên Võ Hà My liên tục bấm điện thoại gọi khách tới để lấy hàng về.

“Anh Nam phải không ạ? Anh có đồ rồi, qua lấy dùm em nhé”, My nhắn với khách qua điện thoại.

Từ ngày hôm nay, cửa hàng tiện lợi này chỉ cho phép hai khách cùng vào mua hàng tại một thời điểm. Do đó, cửa hàng áp dụng phương thức để nhân viên đi chợ hộ.

Khách đến chỉ cần viết vào giấy các thông tin như: mặt hàng cần mua; số lượng; thông tin tên và số điện thoại. Sau đó, nhân viên cửa hàng cầm giấy vào trong lựa hàng mà khách yêu cầu.

“Tôi tới mua nhưng họ nói không được tập trung đông người nên viết giấy để lại. Tôi về nhà khoảng 15 phút thì nhân viên gọi ra lấy đồ. Mọi thứ cũng nhanh”, khách hàng tên Nam cho biết.

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới
Mặt hàng rau xanh tại một siêu thị trong sáng nay

Vì không tập trung quá đông người được nên chị Thu Trang (phường 2, quận Bình Thạnh) đứng chờ cách cửa hàng hơn 100m. Vì yêu cầu nhiều mặt hàng nên thời gian chờ đợi của vị khách khá lâu. Tuy vậy, theo người nội trợ này, việc đợi mua hàng ở đây còn đỡ hơn so với đi chợ giá cao.

“Tôi chấp nhận chờ 1 tiếng ngoài này. Đứng tạm bóng cây cũng được. Đồ ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị giá còn đỡ chứ ngoài chợ mắc lắm”, chị chia sẻ.

Hàng về siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhiều hơn

Ghi nhận sáng cuối tuần, các mặt hàng bày bán tương đối đầy đủ, đáp ứng phần nào nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân tại một số điểm bán.

Hệ thống Coop Food, rau xanh đa dạng hơn so với ngày hôm qua. Từ sớm, người dân đã xếp hàng đảm bảo giãn cách tại Coop Food Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Thông tin cập nhật tới Sở Công Thương thành phố, các chủng loại hàng của hệ thống Satra Foods cũng được lên kệ sớm.

Bách Hóa Xanh (quận Tân Bình) hàng về ổn định.

TP.HCM ngày chưa từng có, tập quen mua bán kiểu mới
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm tại chợ Đa Kao (quận 1)

Đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, MM Mega Market đã tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba lần dự trữ, đủ cung cấp cho khoảng 60 ngày thậm chí là 90 ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Thời gian mở cửa hoạt động kéo dài đến 11h khuya.

Hệ thống này hiện có các trạm trung chuyển ở Đà Lạt chuyên cung cấp rau củ quả; trạm trung chuyển Đồng Nai cho mặt hàng thịt heo và trạm trung chuyển Cần Thơ cho các mặt hàng cá, hải sản.

Tuy nhiên, thông tin kém vui lại đến từ các chợ truyền thống. Trong sáng 10/7, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và chợ Đa Kao (quận 1) đã tạm dừng hoạt động.

Tại chợ Đa Kao, cơ quan y tế đã bắt đầu tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với tiểu thương tại đây. Nếu chợ Đa Kao phải dừng hoạt động, quận 1 sẽ không còn chợ, thay vào đó người dân lựa chọn kênh mua sắm thay thế tại hơn 130 điểm siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc địa bàn quận.

Thống kê từ Sở Công Thương TP.HCM, tính đến sáng 9/7, tổng lượng hàng đạt 2.791 tấn/ngày đêm (tăng hơn 32%) so với ngày 8/7 (2.100 tấn/ngày đêm). Cụ thể:

Nhóm mặt hàng thịt gia súc: 1.086,6 tấn/ngày đêm (tăng 262%)

Nhóm mặt hàng thủy hải sản: 278,5 tấn/ngày đêm (tăng 457%)

Nhóm mặt hàng rau, củ, quả, trái cây: khoảng 1.426 tấn/ngày đêm (giảm 17,1%)

Quảng Định

Đọc nhiều