8
category
603422

TP.HCM: Mỗi quận huyện sẽ có trung tâm điều hành đô thị thông minh trong năm nay

18/05/2022 20:27

Lãnh đạo TP.HCM thúc đẩy các quận huyện xây dựng xong trung tâm điều hành đô thị thông minh trong năm nay, nhằm tiến tới điều hành chính quyền bằng công nghệ.

Ngày 18/5, TP.HCM tổ chức buổi hướng dẫn các quận huyện, thành phố Thủ Đức triển khai xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh nhằm thống nhất việc xây dựng nền tảng chung và liên kết dữ liệu.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số của thành phố, cho hay lãnh đạo thành phố chủ trương tăng tốc chuyển đổi số rất nhanh và quyết liệt.

Trong năm nay, đặt mục tiêu trọng tâm phải xây dựng được chính quyền số hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Thành phố cũng yêu cầu phải có sản phẩm chuyển đổi số cụ thể, giúp thay đổi căn bản về điều hành và dữ liệu, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, nhiều địa phương mới dừng ở mức ứng dụng CNTT vào xử lý công việc. Trong khi đó, chuyển đổi số phải đạt mức lãnh đạo hoàn toàn dựa trên công nghệ cả ở địa phương và thành phố.

“Một thành phố đông dân, đa dạng thành phần như TP.HCM nếu không có dữ liệu thì không thể quản trị tối ưu”, Giám đốc Sở TT&TT nêu ý kiến.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Lâm Đình Thắng đánh giá nhiều quận, huyện đã chủ động chuyển đổi số trong việc ứng dụng công nghệ, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác điều hành song vẫn tồn tại một số vướng mắc. Hạn chế lớn nhất chính là việc thành phố có tiềm lực mạnh, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu nên xảy ra tình trạng một số địa phương “mạnh ai nấy làm” thiếu sự đồng bộ và kết nối.

“Nhiều đơn vị ở địa phương rất mạnh nhưng tổng thể thành phố vẫn rời rạc”, ông Thắng nhận xét. Do vậy, nhiều nơi xây dựng được cơ sở dữ liệu nhưng địa phương khác không dùng được, lãnh đạo thành phố cũng chưa thể kết nối. Về dài hạn, nếu từng địa phương đi theo mỗi hướng khác nhau sẽ dẫn đến suy giảm hiệu quả đầu tư, không thể đồng bộ dữ liệu.

Việc các địa phương tự đầu tư một số hạng mục còn gây ra trùng lặp, chồng chéo. Vì vậy, sắp tới toàn thành phố phải sử dụng chung nền tảng, phải có kết nối dữ liệu.

Giám đốc Sở TT&TT nêu ví dụ TP.HCM đã xây dựng Tổng đài 1022 để tiếp nhận và giải quyết phản ánh của người dân, như vậy các địa phương khác không cần xây hệ thống riêng. Cả thành phố cùng sử dụng nền tảng này, liên thông với nhau để lãnh đạo nắm được từng phản ánh của người dân, nhìn thấy được tốc độ xử lý của từng cơ sở.

Khi dữ liệu tương đối đầy đủ, hệ thống sẽ có tính năng phân tích, đánh giá giúp các quận huyện không phải làm báo cáo, thay đổi cách vận hành quản trị giữa thành phố với địa phương.

Để thực hiện được mục tiêu kết nối và liên thông, ông Lâm Đình Thắng cho hay lãnh đạo thành phố chỉ đạo rất quyết liệt mỗi địa phương trong năm nay phải có một đơn vị điều hành thành phố thông minh tại cơ sở, có kết nối đồng bộ. Lãnh đạo Sở TT&TT khuyến nghị địa phương có thể thuê ngoài dịch vụ hỗ trợ xây dựng trung tâm điều hành.

Về vấn đề đầu tư, ông Lê Quốc Cường – Phó giám đốc Sở TT&TT – cho hay một số hạng mục thành phố sẽ cấp kinh phí nhưng ở các hạng mục khác địa phương nên huy động nguồn lực xã hội. Các đơn vị cần lấy ý kiến Sở TT&TT để đảm bảo đồng bộ và hiệu quả đầu tư, phối hợp giữa các thành phần điều hành, tận dụng hiệu quả trung tâm điều hành phục vụ cho công tác lãnh đạo.

Khi dữ liệu được dùng chung, ông Lê Quốc Cường cho rằng có sự thay đổi về mặt tư duy báo cáo, tổng hợp. Điều này tạo sự tương tác hai chiều giữa thành phố và địa phương, cả thành phố và các địa phương khác đều nắm được thông tin trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở TT&TT thừa nhận quá trình triển khai nền tảng dùng chung ban đầu có thể chưa được hoàn hảo. Tuy vậy, việc thống nhất ý kiến giữa thành phố với các quận huyện sẽ giúp liên thông được dữ liệu, tăng hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải.

Khai Tâm

Đọc nhiều