148628
topics
557390

TP.HCM lý giải việc chưa cho phép mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

11/10/2021 19:40

“Ăn uống tại chỗ là hoạt động tập trung đông người nên đến lúc này, thành phố chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TPHCM xét thấy chưa nên mở, cần phải có lộ trình” –  Lãnh đạo Sở Công Thương chia sẻ.

Tại họp báo chiều 11/10, trả lời câu hỏi về kế hoạch cho phép quận 7 thí điểm mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống tại chỗ, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết thời gian qua TP.HCM đã mở lại một số loại hình dịch vụ theo Chỉ thị 18.

Hàng quán tại TPHCM chỉ được phục vụ bán mang đi.

Trên tinh thần các sở ban ngành đã tham mưu cho UBND TP.HCM các loại hình kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện để tổ chức hoạt động trong an toàn thì được mở lại, những loại hình có khả năng gây nhiều rủi ro sẽ phải cân nhắc, tính toán.

Theo ông Phương, ăn uống tại chỗ là dịch vụ tập trung đông người, do đó tới thời điểm hiện nay thành phố chưa có chủ trương mở lại. “Không chỉ riêng quận 7 mà các địa phương khác cũng có đủ điều kiện nếu xét mức độ kiểm soát an toàn, nhưng trên bình diện chung TP xét thấy chưa cần thiết cho loại hình dịch vụ này hoạt động và cần có tính toán thêm”, ông nói.

Theo ông Phương, hiện nay các loại hình dịch vụ sẽ do sở ngành chuyên môn phụ trách, dịch vụ vui chơi giải trí do Sở Văn hóa thông tin, dịch vụ tư vấn làm đẹp do Sở Y tế phụ trách và dịch vụ ăn uống hiện nay do Ban quản lý an toàn thực phẩm phụ trách. Khi tham mưu cho UBND TP, Sở Công Thương không chịu trách nhiệm tham mưu lĩnh vực này.

Về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đến nay số lượng chi trả đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người.

“Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của UBND thành phố” – ông Lâm thông tin.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND thành phố đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạch. Các tổ chi trả của khu phố có chậm hơn so với tiến độ. Các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian hơn.

“Việc phát, chi trả cho người dân được ký vào 29/9, phường 12 quận 3 là địa phương đầu tiên thực hiện. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là quận Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%. Tiến độ này rất khả quan” – ông Lâm nói.

Trả lời việc phường An Phú (TP Thủ Đức) kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ, vậy khái niệm “thật sự khó khăn” được hiểu thế nào? Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo Công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ. Một là rà soát đảm bảo chi đủ, đúng, không trùng lắp, không phân biệt nơi tạm trú, thường trú. Thứ hai là công khai minh bạch, không trục lợi cá nhân. Thứ ba là phát huy tối đa mọi nguồn lực.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng ‘hoàn cảnh thật sự khó khăn’ là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người này sẽ được công khai ở khu phố, tổ dân phố… đề nghị UBND xã phường, TP Thủ Đức phê duyệt” – ông Lâm giải thích.

chua cho phep an uong tai cho anh 1
Hiện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận 7 vẫn phải hoạt động theo hình thức bán hàng mang đi theo quy định của UBND TP.

Trước đó, ngày 7/10, trong văn bản gửi UBND TP, quận 7 đề xuất quy mô hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm. Diện tích kinh doanh tối thiểu phải từ 100 m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh.

Đồng thời, cơ sở phải đáp ứng yêu cầu tất cả nhân viên, người lao động và khách hàng đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế ít nhất 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng.

Cơ sở kinh doanh phải được UBND quận 7 thẩm định điều kiện hoạt động, cấp mã QR, gắn camera giám sát và kết nối về trung tâm kiểm soát phòng chống dịch và phục hồi kinh tế quận 7 để kiểm soát nhân viên và khách hàng ra vào hàng ngày.

Theo đánh giá của quận 7, qua 15 ngày thử nghiệm trên địa bàn quận, có 434 đơn vị doanh nghiệp và hộ kinh doanh (ngoài khu chế xuất), với gần 4.000 lao động đã tổ chức hoạt động trở lại. Kết quả, người dân và doanh nghiệp phấn khởi với việc mở cửa hoạt động trở lại và các đơn vị chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh Thanh 

Đọc nhiều