TP.HCM: Làm hầm chui thay thế phương án cầu Cần Giờ, Cát Lái, Thủ Thiêm 4…

Bích Ngân 19/11/2024 16:29

Đây là 1 trong những nội dung được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đề cập tại buổi làm việc với Công ty CP FECON cùng các chuyên gia về quy hoạch đường sắt đô thị, thi công hầm giao thông và công trình ngầm, diễn ra hôm 15.11.

Phối cảnh cầu Cần Giờ

Theo Sở GTVT TP.HCM, kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng luôn đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM cũng như cả nước. Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông tại TP.HCM đã từng bước được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. TP đã và đang triển khai rất nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3 TP.HCM, nút giao thông An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn, cầu Thủ Thiêm 2…

Tại buổi làm việc, Công ty CP FECON đã chia sẻ quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các hầm giao thông qua sông tại Thượng Hải. Đồng thời, giới thiệu các công nghệ tiên tiến áp dụng trong thi công hạ tầng giao thông ngầm, bao gồm: thi công hệ thống metro và hầm giao thông đường bộ bằng máy đào hầm TBM; thi công hầm chui, hầm cho người đi bộ, hạ tầng kỹ thuật ngầm bằng công nghệ Pipe Jacking tròn và vuông; thi công bãi đỗ xe ngầm bằng công nghệ VSM (máy khoan giếng đứng).

Đánh giá cao các giải pháp công nghệ của FECON, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đánh giá TP.HCM và Thượng Hải có nhiều điểm tương đồng. Thời gian qua, nhiều dự án, công trình giao thông đã nghiên cứu và áp dụng các công nghệ, biện pháp thi công mới, hiện đại góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND TP triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn, trọng điểm, quan trọng quốc gia như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường Vành đai 4 TP.HCM, các tuyến đường sắt đô thị, các nút giao thông, cầu lớn, đường vành đai, trục chính đô thị; đặc biệt là 5 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98.

Do vậy, lãnh đạo ngành giao thông đặt hàng doanh nghiệp đồng hành với sự phát triển của thành phố để sánh vai cùng với Thượng Hải cũng như các thành phố lớn trên thế giới.

“Các đơn vị có thể giúp thành phố cụ thể hóa các công trình ngầm mang tính lịch sử như: hầm chui Phú Mỹ 2, hầm chui thay thế phương án cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 4; hầm chui tại các nút giao thông ở trung tâm thành phố; các hầm chui qua các trục đường đô thị như Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… Từ đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của vùng cũng như cả nước” – ông Trần Quang Lâm gợi ý.

TP.HCM thời gian qua đang định hướng đẩy mạnh phát triển không gian ngầm, giao thông ngầm để “chia lửa” với giao thông trên mặt đất. Theo các quy hoạch hiện hành, giao thông ngầm chủ yếu tập trung vào tuyến đường sắt đô thị; đường đi bộ ngầm kết nối các nhà ga đường sắt và tòa nhà kế cận, trung tâm thương mại ngầm; đường giao thông ngầm; một số vị trí nút giao thông phức tạp có kết hợp hầm chui; những bãi đậu xe ngầm trong các tòa nhà và một số khu vực công cộng.

Trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, các đơn vị cũng đã nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm của thành phố. Trong đó, dự kiến nâng cao năng lực của mạng lưới đường sắt đô thị, bổ sung một số tuyến giao thông nhanh kết nối các đầu mối giao thông và cửa ngõ của TP.HCM.

Bích Ngân 

Đọc nhiều