TP.HCM: Hơn 60.000 tỉ đồng mở rộng 5 cửa ngõ

Bích Ngân 19/11/2024 10:32

Cả 5 cửa ngõ tại TP.HCM đang đứng trước cơ hội được khơi thông với các dự án BOT có tổng vốn 60.000 tỉ đồng. 5 cửa ngõ này kết nối với các trục cao tốc, đường vành đai thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giúp người dân TP và các tỉnh lân cận đi lại thuận tiện hơn.

Người dân kỳ vọng TP.HCM sớm đầu tư nâng cấp mở rộng các cửa ngõ để giao thông được thông thoáng. Trong ảnh: khu vực sẽ triển khai dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (điểm đầu tại chân cầu Bình Triệu, TP Thủ Đức)

Cụ thể, phương án làm đường tốc độ nhanh trên quốc lộ 13, nhiều bạn đọc bình luận rằng họ đã chờ cửa ngõ này mở rộng suốt 20 năm, từ khi còn độ tuổi thanh xuân đến nay đã là ông bà cha mẹ trong gia đình, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng TP sẽ sớm khơi thông các điểm nghẽn.

Phương án xây dựng đường tốc độ nhanh trên quốc lộ 13, đoạn qua cửa ngõ TP, vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố để lấy ý kiến góp ý.

Đoạn đường được thiết kế 10 làn xe (mỗi chiều 5 làn), trong đó có 4 làn trên cao (mỗi chiều 2 làn), kết nối trực tiếp với đoạn quốc lộ 6 – 8 làn xe đang được Bình Dương triển khai thi công.

Khi tuyến đường này hoàn thành, dòng xe từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên thông qua quốc lộ 13 khi qua cầu Vĩnh Bình đoạn tiếp giáp với TP.HCM sẽ có 2 lựa chọn để đi tiếp.

Một là xe sẽ đi vào đường song hành, được thiết kế 3 làn xe cho mỗi chiều. Đường song hành có mức phí rẻ hơn nhưng tốc độ sẽ chậm hơn vì phải qua khoảng 8 ngã ba và ngã tư mới đến được cầu Bình Triệu.

Nếu muốn đi nhanh, xe chạy vào làn tốc độ nhanh kết hợp với đoạn đi trên cao, được thiết kế 2 làn xe mỗi chiều.

Để tạo sự thông suốt vào tận trung tâm, TP cũng đang nghiên cứu làm đường trên cao theo trục Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đinh Bộ Lĩnh bằng nguồn vốn công nhằm kết nối dự án BOT quốc lộ 13 đến nút giao Hàng Xanh.

Đường tốc độ nhanh trên trục quốc lộ 13 này có tổng mức vốn khoảng 19.953 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 73% so với tổng mức đầu tư.

Để đảm bảo thời gian thu phí được rút ngắn, ngân sách sẽ góp vốn 70%, nhà đầu tư 30%. Các trạm thu phí sẽ không dùng barie mà xài công nghệ đa làn tự do, ô tô sẽ được trừ phí trong tài khoản giao thông theo lộ trình thực tế.

Còn ở phía nam TP, hệ thống giao thông kết nối từ quận 6 và trung tâm TP với khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 8 và huyện Bình Chánh) chủ yếu tập trung qua cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Nhị Thiên Đường.

Các cây cầu, con đường quá tải khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt vào các giờ cao điểm.

Để hóa giải điểm nghẽn này, dự án BOT cầu đường Bình Tiên dài 3,7km đi xuyên qua quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh sẽ được thực hiện với mức vốn hơn 6.863 tỉ đồng.

Tuyến đường được thiết kế trên cao này có điểm đầu tại nút giao đường Phạm Văn Chí – Bình Tiên, điểm cuối tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh, cách quốc lộ 50 khoảng 621m.

Không chỉ giúp người dân đi nhanh từ trung tâm về cửa ngõ phía nam, tuyến đường cũng giúp tăng cường liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL qua tuyến quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM và kết hợp chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Tương tự, dự án BOT trục Bắc – Nam, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành, dài khoảng 8,6km cũng được đề xuất làm trên cao với mức vốn gần 8.500 tỉ đồng.

Còn dự án nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) được mở rộng 10 – 12 làn xe với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỉ đồng. Với quốc lộ 22 vốn đang quá tải sẽ được mở rộng lên 10 làn xe với mức vốn 8.810 tỉ đồng.

Bích Ngân 

Đọc nhiều