130115
topics
548156

TP.HCM: Giải mã việc kiểm soát dịch thành công của quận 7

04/09/2021 10:47

Quận 7 là một trong rất ít quận đầu tiên ở TP.HCM tuyên bố kiểm soát được dịch và bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch bình thường mới.  

Sáng 2-9, Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận này đã công bố kiểm soát được dịch trên địa bàn quận. Đây là một điểm sáng trong chiến lược chống dịch của TP.HCM khi một địa phương đã chuyển dần từ vùng đỏ qua vùng xanh, tức là ở mức kiểm soát được virus SARS-CoV-2.

1. Như thế nào là “kiểm soát được dịch”?

Tại thời điểm công bố “kiểm soát được dịch” (ngày 2-9), số ca nhiễm trong ngày của quận 7 là 135, trong đó số ca trong cộng đồng là 51 và trong khu phong tỏa là 84 (không có ca mới trong khu cách ly). Trong ngày cũng không có F0 nào chờ chuyển viện.

Trong tháng 8, trung bình mỗi ngày quận chỉ có hơn 100 F0, trong đó nhiều ngày có dưới 50 ca. Đến cuối tháng 8, quận có trên dưới 2.600 F0 nhưng phần lớn đều được tổ chức chăm sóc, điều trị tại nhà một cách an toàn, khoa học; có khoảng 25% được cách ly tập trung và gần 20% F0 lưu lại các cơ sở chữa trị COVID-19.

Quận 7 công bố kiểm soát được dịch. (Ảnh minh họa)

Trong hai tuần qua, tỉ lệ ca nhiễm trên tổng số ca xét nghiệm cộng đồng của quận 7 chỉ dao động ở mức 1%. Điều quan trọng là suốt giai đoạn này, số ca F0 tử vong giảm mạnh, như tại Bệnh viện (BV) dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1 mỗi ngày chỉ còn hai ca tử vong, cá biệt như ngày 1-9 không có ca tử vong nào. Số ca nhiễm, tỉ lệ nhiễm cộng đồng và số ca tử vong này đều rất thấp khi so sánh với mặt bằng chung của cả TP trong mấy tuần qua.

Về vaccine, quận 7 nằm trong nhóm tiêm chủng hiệu quả nhất TP. Tính đến ngày 2-9, quận đã tiêm gần 244.000 mũi. Điều đó có nghĩa gần như toàn bộ người dân của quận, đặc biệt nhóm người già trên 65 tuổi, có bệnh lý nền đều đã hoàn thành mũi 1, bắt đầu mũi 2. Cho đến nay quận 7 đã không còn các điểm phong tỏa y tế, với tỉ lệ vùng xanh chiếm khoảng 55%, trong khi vùng đỏ chỉ còn gần 26% nếu xét theo khung đánh giá vùng nguy cơ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ban hành. Cả 10 phường của quận đều đã được trao chứng nhận kiểm soát được dịch bệnh.

  Bước tiếp theo sau kiểm soát được dịch

Hôm 1-9, quận 7 đã triển khai kế hoạch về các phương án phục hồi, ổn định, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn sau khi kiểm soát được dịch. Trong đó, quận xây dựng nền tảng hệ thống dữ liệu số hóa phục vụ công tác quản lý, chăm lo an sinh xã hội đến từng tổ dân phố; điều chỉnh phương thức, mô hình hoạt động của các ngành nghề nhằm thích ứng virus SARS-CoV-2; điều chỉnh phương thức điều hành quản lý của chính quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ giai đoạn bình thường mới.

Song song đó, quận sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành nghề sản xuất; khôi phục hoạt động bình thường của BV quận 7; cải thiện hoạt động các khu chế xuất… Bằng tất cả kế hoạch này, quận kỳ vọng có thể sớm đạt “mục tiêu kép”.

2. Mô hình y tế được tổ chức ra sao?

Quận 7 không ngừng nâng cao năng lực y tế địa phương. Để theo dõi và chăm sóc người dân có nhu cầu y tế trong mùa dịch, quận lập ra 10 tổ y tế cộng đồng quy mô trên 10-15 người/tổ, trong đó phần lớn là các bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa, Hội Chữ thập đỏ. Đây là lực lượng “phản ứng nhanh” với nhiệm vụ: (i) Thăm khám, chăm sóc cho F0, F1 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; (ii) Sàng lọc, sơ cấp cứu các F0 có thể chuyển nặng để chuyển tuyến kịp thời; (iii) Hỗ trợ kết nối xe cấp cứu cho người dân; (iv) Giúp đỡ y tế cho người ở khu phong tỏa; giúp người dân xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh kịp thời để chữa trị; (v) Phối hợp tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch. Quận cũng bàn giao 10 xe cấp cứu cho 10 phường. Người dân có vấn đề y tế có thể liên hệ vào đường dây nóng của tổ y tế cộng đồng phường nơi cư trú.

Bên cạnh đó, quận 7 đã xây dựng các trạm y tế chăm sóc F0 tại nhà. Hiện đã có 44 trạm y tế (trong đó có 34 trạm lưu động) với tổng số trên 350 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên. Họ đảm nhận nhiệm vụ điều trị, chăm sóc ban đầu cho các bệnh nhân nhẹ, có bệnh lý thông thường. Đến nay, các trạm y tế đã khám trực tiếp cho gần 1.100 người, tư vấn trực tuyến cho hơn 3.300 người, chuyển kịp thời 40 trường hợp trở nặng đi cấp cứu.

Về hạ tầng y tế chăm sóc F0, quận đã tổ chức 21 khu cách ly tập trung, quy mô 3.400 giường. Đây là khu vực dành cho các F0 không có điều kiện tự cách ly tại nhà hoặc F0 có triệu chứng nhẹ, có một số bệnh nền được theo dõi kịp thời. Để ngừa tình trạng F0 trở nặng nhanh do biến chủng Delta, các khu cách ly có trang bị ôxy, thuốc điều trị COVID-19.

Với các F0 có triệu chứng trung bình, nặng và hồi sức cấp cứu ban đầu, quận đã tổ chức ba cơ sở điều trị gồm: BV quận 7, BV đa khoa Tân Hưng và BV dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1. Sức chứa tổng thể là 690 giường, hiện đang điều trị cho gần 500 người. Riêng BV dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1 có trang bị một bồn ôxy 32 tấn cùng hệ thống ôxy trung tâm đảm bảo cung cấp cho hàng trăm bệnh nhân cùng lúc, đồng thời còn có 50 máy thở dòng cao HFNO, 54 máy tạo ôxy… Ngoài ra, quận còn có quy chế phối hợp liên kết với các BV tư nhân trên địa bàn (BV FV, BV Tâm Đức) và với các BV dã chiến của TP (BV dã chiến số 16, Trung tâm hồi sức của BV Bạch Mai…). Mô hình này giúp người dân quận 7 có thể tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời trong trường hợp các cơ sở của quận 7 gặp quá tải hoặc không đủ điều kiện và khả năng chữa trị.

TP.HCM: Giải mã việc kiểm soát dịch thành công của quận 7 - ảnh 1

3. Đảm bảo an sinh cho người dân bằng cách nào?

Tương tự tổ tự quản trong y tế, quận 7 cũng tổ chức mô hình tự quản về an sinh xã hội. Cứ mỗi 30-50 hộ gia đình thì sẽ lập ra một tổ tự quản, dưới sự theo dõi và quản lý của tổ dân phố. Các khu phố sẽ lập ra ban tự quản để theo dõi, hỗ trợ tổ dân phố. Mỗi phường sẽ có nhiều ban tự quản. Bằng mô hình này, nhu cầu của từng hộ gia đình sẽ được các tổ tự quản nắm bắt kịp thời; vận động các nguồn lực để tự hỗ trợ lẫn nhau hoặc đề xuất Trung tâm tiếp nhận, điều phối và cứu trợ hàng hóa, thực phẩm cho người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Tổ tự quản cũng sẽ giúp thống kê, hỗ trợ việc chi các chế độ, chính sách cho người dân (theo các gói cứu trợ từ ngân sách chính phủ, chính quyền TP, các gói cứu trợ khác).

Quận 7 cũng là địa phương thuộc nhóm tiên phong thành lập Trung tâm tiếp nhận, điều phối và cứu trợ hàng hóa, thực phẩm cho người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Đây là đơn vị có chức năng vận động quyên góp; tổ chức tiếp nhận và quản lý tiền, hiện vật cứu trợ; tổ chức phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ; thực hiện việc thông tin, báo cáo và giám sát các hoạt động cứu trợ trên địa bàn quận.

Tính tới đầu tháng 9, quận đã hỗ trợ hơn 73.000 lượt người từ tiền ngân sách. Ngoài ra, quận chủ động hỗ trợ người dân bằng nhiều cách khác nhau với tổng số tiền gần 109 tỉ đồng. Quận cũng vận động chủ nhà trọ giảm giá cho hàng chục ngàn hộ dân với tổng số tiền đạt được trên 15,6 tỉ đồng. Quận còn tổ chức phát 338 tấn gạo cho tất cả 10 phường và kế hoạch phát gạo sẽ lên tới 1.230 tấn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quận triển khai đi chợ giúp hàng chục ngàn hộ gia đình mua được thực phẩm và hàng hóa thiết yếu kịp thời trong những ngày TP siết chặt giãn cách.•

  Lập trung tâm nghiên cứu bài bản lộ trình bình thường mới

Một trong những bước đi rất quan trọng của quận 7 làm đà cho bình thường mới chính là: Từ giữa tháng 8, quận 7 đã thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu, lên phương án hoạt động sau khi dịch được kiểm soát, đưa cuộc sống người dân trên địa bàn quận trở lại giai đoạn bình thường mới. Trung tâm này có nhiệm vụ đánh giá tình hình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 của quận, từ đó tham mưu cho lãnh đạo quận thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch vừa phát triển kinh tế để có thể đạt được ở mức cao nhất các chỉ tiêu mà kế hoạch của quận đặt ra.

Trung tâm này cũng nghiên cứu và đề xuất thời gian, lộ trình mở cửa hoạt động trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, khách sạn, siêu thị, chợ, trường học… Quận cũng đã đánh giá tình hình hoạt động với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các khu công nghiệp và chế xuất… Từ đó quận đặt ra mục tiêu, điều kiện và lộ trình mở cửa trở lại đối với từng nhóm đơn vị. Như vậy, từ người lao động đến doanh nghiệp; từ chợ đến các loại hình dịch vụ; từ đơn vị mới thành lập đến đã hoạt động lâu dài… đều sẽ được bình thường mới với giải pháp, lộ trình, yêu cầu và mục tiêu cụ thể do quận đề ra.

Đỗ Thiện 

Đọc nhiều