8
category
436958

TP.HCM giải bài toán kẹt xe từ… xe đạp

08/10/2020 16:10

Phát triển mô hình cho thuê xe đạp để người dân từ nhà đi xe buýt, metro ra trung tâm TP.HCM, sau đó di chuyển ở đây bằng xe đạp và trở lại bến xe buýt, ga metro để về nhà.

Việc thí điểm mô hình xe đạp tại trung tâm TP.HCM hứa hẹn mở ra cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia giải bài toán giao thông.

Thuê xe, trả tại bến

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sau một thời gian nghiên cứu, tiếp nhận góp ý, sở đã đề xuất UBND TP chủ trương thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn TP. Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) sẽ thực hiện thí điểm mô hình trong 12 tháng.

TP.HCM giải bài toán kẹt xe từ... xe đạp - Ảnh 1.
Mặc dù được khuyến khích, người đi xe đạp luôn phải đi chung đường với xe máy và ôtô – Ảnh: Q.ĐỊNH

Có 43 vị trí đặt xe đạp trên các tuyến đường như Hàm Nghi, Võ Văn Kiệt, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn…

Tại mỗi trạm bố trí từ 10 – 20 xe đạp, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS.

Mô hình này từng áp dụng tại nhiều nước, kết quả có nơi thành công, có nơi chưa, vậy khi áp dụng ở TP.HCM sẽ có gì mới? Ông Đỗ Bá Dân – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam – cho biết công ty đã nghiên cứu và nhận thấy một số nơi chưa thành công do việc trả xe có thể thực hiện ở bất cứ điểm nào khi người sử dụng kết thúc hành trình.

“Việc này dẫn tới xe đạp có thể bỏ lại bất cứ đâu, xe hư nhanh lại gây ách tắc đường phố. Đơn vị vận hành cũng rất đau đầu và tốn kém chi phí khi đi gom xe. Chính các điểm bất hợp lý nêu trên dẫn đến người dân chán dần dịch vụ” – ông Dân cho biết.

Theo ông Dân, dự án Mobike đã có cải tiến so với các nước khác và gắn trách nhiệm của người dùng khi sử dụng dịch vụ. Một người dùng đã thuê xe thì được yêu cầu trả lại bến chứ không được bỏ lại dọc đường. Khi xe về bến (theo định vị GPS), hệ thống mới cho phép người thuê trả xe.

Với câu hỏi vì sao chọn xe đạp thông thường thay vì xe đạp điện, theo ông Dân, doanh nghiệp muốn hướng loại xe công cộng vừa bảo vệ môi trường vừa tăng cường sức khỏe cho người dân. “Xe đạp điện nếu để ngoài trời rất nhanh hư hỏng, và kích thước lại ngang ngửa với xe máy nên chiếm chỗ rất lớn” – ông Dân nói.

Có xe đạp để đi xe buýt, metro

Ông Đỗ Ngọc Hải – trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM – cho hay hiện mật độ giao thông ở TP.HCM, nhất là khu vực trung tâm TP, tăng dẫn đến tình trạng ùn tắc. TP.HCM đang gấp rút đầu tư mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1 dự kiến hoàn thành năm 2021, xe buýt nhanh số 1, xe buýt mini… tiến đến hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP.

“Giải pháp về phát triển xe đạp không chỉ là một bước hạn chế xe cá nhân tới đây mà còn có mục tiêu kết nối các loại hình giao thông công cộng trong bán kính gần. Chẳng hạn như trong 500m, người dân có thể lựa chọn xe đạp để đi tới trạm xe buýt, metro” – ông Hải cho hay.

TP.HCM giải bài toán kẹt xe từ... xe đạp - Ảnh 2.
Cho đến nay, xe đạp vẫn là phương tiện di chuyển hiếm hoi trong dòng xe cộ trên đường – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Hải, hiện TP đã có ứng dụng Gobus để người dân có thể đi xe buýt tiện lợi hơn, kết hợp với việc lựa chọn đi xe công nghệ hay đi bộ tới trạm cho phù hợp. Sắp tới, sở tích hợp một phần mềm dùng chung cho cả metro, xe đạp, xe buýt nhanh, xe buýt, xe đạp… để người dân bước ra đường có thể tìm cho mình một cung đường đi hợp lý nhất, nhanh nhất, loại xe công cộng phù hợp nhất.

Ông Hải cho biết sở dĩ chọn thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp ở quận 1 là vì khu vực này có nhiều khách du lịch, cán bộ nhân viên, công chức, doanh nhân… Họ có xe riêng nhưng lại ngán cảnh ùn tắc, thiếu bãi đậu xe.

Về chi phí thí điểm, nhà đầu tư tự bỏ ra đầu tư và quản lý, TP mở ra cơ chế cho nhà đầu tư tham gia cùng xây dựng mạng lưới giao thông. Nhà đầu tư ban đầu đề xuất 52 điểm, tuy nhiên qua khảo sát sở chọn 43 điểm làm trạm. Các điểm đã được đoàn liên ngành đi khảo sát đánh giá và không ảnh hưởng tới giao thông.

Ông Hải cũng cho rằng việc thực hiện mô hình xe đạp thành công hay không phụ thuộc vào cách tổ chức, cơ chế hoạt động. Tại TP.HCM, vị trí bãi đỗ, số lượng xe sẽ có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

“TP mở cơ chế cho nhà đầu tư tham gia nhưng cũng sẽ buộc nhà đầu tư phải nâng cao trách nhiệm và chất lượng dịch vụ. Hết thời gian thí điểm, sở sẽ tiếp tục đánh giá về các bước như khả năng kết nối, tích hợp, phù hợp hay không để có các bước thực hiện tiếp theo” – ông Hải nói.

Từ kết quả việc thí điểm, TP sẽ có các bước hoạch định về mạng lưới giao thông kết nối trong thời gian tới. Trước mắt, xe đạp sẽ sử dụng làn đường chung. Hiện nay một số tuyến đường trung tâm như Hàm Nghi, Pasteur đã có hai bên làn đường 1,5m, chỗ này có thể thiết kế thành làn đường cho xe đạp.

“Trong tương lai về quy hoạch, sở sẽ nghiên cứu về việc mở mới hoặc mở rộng đường phải có làn đường riêng cho xe đạp” – ông Hải nói.

Sử dụng thế nào, mức phí ra sao?

Theo Sở Giao thông Vận tải, để sử dụng xe đạp công cộng, người dân cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại (miễn phí), quét tìm xung quanh để biết điểm trạm còn xe gần nhất và dùng ứng dụng quét mã code mở khóa xe. Người dân nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc nộp trực tiếp.

Trước mắt, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đề xuất các loại vé theo thời gian 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Trong thời gian đầu từ 1-3 tháng sẽ miễn phí 15 phút sử dụng đầu tiên, đa dạng các loại vé theo ngày/tháng/quý/năm. Tuy nhiên mức giá đề xuất nêu trên chỉ mới là tham khảo, giá sử dụng chính thức sẽ được ban hành sau khi UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện.

Ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh TP – cho biết mức giá 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/60 phút ở thời giá hiện nay thực ra là phải chăng. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước thường họ cho miễn phí thời gian sử dụng ban đầu (khoảng 30 phút hay 60 phút tùy thành phố) nhằm khuyến khích vận tải công cộng.

“Về phương án bố trí các điểm giữ xe, đề án thí điểm chỉ ở phạm vi quận 1 nên chắc nhà đầu tư cũng đã chọn những điểm thu hút khách có nhu cầu sử dụng loại phương tiện này. Khi triển khai mở rộng, những đầu mối giao thông như bãi xe công viên 23-9, bến xe Chợ Lớn… là những điểm không thể thiếu” – ông Tính nói.

Xe đạp có định vị, khó mất cắp

Trước băn khoăn về việc xe đạp có thể bị mất cắp, ông Dân cho biết khi đăng ký sử dụng dịch vụ, người dân sẽ cung cấp và được xác minh tính hợp lệ của thông tin cá nhân. Mỗi xe được gắn một thẻ ID định danh, thông qua hệ thống phần mềm, nhân viên vận hành có thể giám sát được xe đang ở vị trí nào hoặc ai đang sử dụng. Khi có dấu hiệu xe ra khỏi trạm mà không mở khóa, hệ thống cảnh báo về trung tâm để xử lý vụ việc tức thời.

ĐỨC PHÚ/TT

Tags :
Đọc nhiều