TP.HCM dự kiến công bố gói hỗ trợ đợt 3 với hơn 7.500 tỉ đồng

Ngọc Anh 19/09/2021 08:09

Liên quan hỗ trợ đợt 3, Sở LĐ-TB-XH vừa đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ cho 2 triệu hộ thường trú, tạm trú với khoảng 7,1 triệu người; và hơn 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, không còn thu nhập do giãn cách, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến chi từ ngày 22.9

Ngày (20.9), UBND TP.HCM sẽ họp báo công bố gói hỗ trợ đợt 3. Tổng kinh phí đề xuất hơn 7.500 tỉ đồng với mức hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ cho khoảng thời gian nào đối với từng người.

Trong đó, dẫn đầu danh sách người cần hỗ trợ là TP.Thủ Đức với gần 857.000 người, H.Bình Chánh hơn 856.000 người, Q.12 hơn 644.000 người, H.Củ Chi gần 500.000 người… Các quận khu vực trung tâm như quận 1, 3, 4, 5, 10 cũng dao động từ 90.000 – 150.000 người, thấp nhất là H.Cần Giờ với hơn 66.000 người (khoảng 87% dân số toàn huyện).

Bốn nhóm đề xuất được hưởng hỗ trợ gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã; người phụ thuộc (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) của hộ khó khăn; người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, xóm nghèo…

TP.HCM dự kiến công bố gói hỗ trợ đợt 3 với hơn 7.500 tỉ đồng. Ảnh minh họa.

Dự kiến bắt đầu chi hỗ trợ cho người dân khó khăn từ ngày 22.9 – 4.10 qua hình thức chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản khi có yêu cầu, không hỗ trợ người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.

Đáng chú ý, chủ trương của các gói hỗ trợ theo hướng “chính sách nào – đối tượng đó”, không hồi tố (đã nhận 2 gói trước, vẫn được nhận gói 3) để xã, phường, thị trấn công khai, tạo sự đồng thuận trong người dân.

Chỉ hỗ trợ người đang cư trú thực tế

Sáng 18.9, 5 tổ công tác tại 5 ấp của xã Tân Nhựt (H.Bình Chánh) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thống kê danh sách nhân khẩu thực tế, thu nhập của các hộ dân trên địa bàn gửi về xã xét duyệt gói hỗ trợ lần 3. Bà Phan Thị Mỹ Khuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, cho biết tổ thẩm định gồm đại diện đoàn thể, trưởng ấp, công an khu vực, tổ nhân dân… sẽ rà soát từng nhà, thống kê từng người đang cư ngụ, công việc, thu nhập.

Qua rà soát bước đầu, xã Tân Nhựt có khoảng 35.000 người thuộc diện hỗ trợ, nhưng các tổ thẩm định sẽ rà soát thêm một lần nữa, chỉ hỗ trợ những người đang sinh sống trên địa bàn. “Dù có tên trong hộ khẩu, sổ tạm trú, nhưng hiện giờ không sinh sống trên địa bàn, thì cũng không thuộc diện được hỗ trợ”, bà Khuyên thông tin.

Bà Khuyên cho biết các trường hợp đủ điều kiện, xã sẽ gửi danh sách lên huyện thẩm định và phê duyệt, nếu trường hợp nào không đủ điều kiện thì xã chuyển về các tổ công tác để thông báo, giải thích cho người dân hiểu để “tránh gây hiểu lầm như những đợt trước người dân mặc định nghĩ cứ được lập danh sách là sẽ được hỗ trợ”.

Một số địa phương đông dân khác như quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh… cũng đang khẩn trương hoàn chỉnh danh sách người cần hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết từ ngày 11.9 quận đã giao các phường lập danh sách 4 nhóm được hỗ trợ trong đợt 3 theo hướng dẫn của UBND TP.HCM để chuyển về Sở LĐ-TB-XH tổng hợp. Việc thống kê chỉ tính đối với những người đang cư trú trên địa bàn và thực sự gặp khó khăn.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH Q.10 thông tin trong đợt hỗ trợ lần 3, TP.HCM không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8.2021. Do vậy, trên cơ sở thống kê ban đầu khoảng hơn 110.000 người, các phường trên địa bàn phải rà soát, đối chiếu với danh sách của cơ quan bảo hiểm xã hội để loại những trường hợp này ra, tránh tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng.

“Phủ sóng” đến phần lớn người dân

Để đảm bảo an sinh xã hội, kể từ tháng 5.2021 đến nay, TP.HCM đã chi 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 5.100 tỉ đồng. Dịch bệnh kéo dài nên cứ sau mỗi đợt lập chính sách và chi hỗ trợ, thì lại phát sinh thêm nhóm người cần hỗ trợ. Do chưa nhận được hỗ trợ tiền, nhiều người bức xúc lên mạng kêu cứu, đến nhà tổ trưởng tổ dân phố, thậm chí kéo lên trụ sở ấp, khu phố và phường, xã gây áp lực, yêu cầu giải quyết gói hỗ trợ.

Lãnh đạo một số địa phương cho biết trong 2 đợt đầu, số lượng người dân cần hỗ trợ được lập danh sách nhiều, nhưng số lượng được phê duyệt lại ít (do ngân sách eo hẹp) dẫn đến tình trạng so bì; người dân hiểu lầm giữa chuyện lập danh sách đồng nghĩa với việc sẽ được nhận hỗ trợ nên khiếu nại.

Trao quà hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Trao quà hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài đến đời sống người dân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn chứng có quận khoảng 700.000 dân, nhưng có đến 600.000 người cần được hỗ trợ. Khi giãn cách xã hội càng kéo dài (từ 31.5 đến nay, đã gần 4 tháng – PV), sức chịu đựng của người dân càng giảm. Để góp phần đảm bảo an sinh, tránh những câu chuyện lùm xùm, bức xúc của người dân như trong 2 đợt hỗ trợ trước, ông Nên yêu cầu phải xác định tiêu chí hỗ trợ cụ thể, lập danh sách và có hội đồng xét duyệt với đủ thành phần, có tính pháp lý để công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng; việc này cũng để bảo vệ cán bộ cơ sở.

Gói hỗ trợ đợt 3 được đánh giá là chưa có tiền lệ, lập “kỷ lục” về số lượng người cần nhận hỗ trợ và “phủ sóng” đến phần lớn người dân (khoảng 7,5 triệu người, so với khoảng 9 triệu dân TP.HCM tại thời điểm tổng điều tra dân số vào năm 2019).

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, gói hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng là sự cố gắng của TP.HCM nhằm chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của người dân khi giãn cách kéo dài. Khoản hỗ trợ này được trích từ ngân sách kết dư mà TP tiết kiệm được từ các năm trước, dự kiến sẽ chi đầu tư phát triển; tuy nhiên trước tình thế khó khăn vì dịch bệnh nên phải dùng để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân.

Ngọc Anh 

Đọc nhiều