280
topics
558628

TP.HCM đủ cơ sở để sống chung với Covid-19 như châu Âu, Singapore

16/10/2021 16:39

Đó là lời khẳng định của chuyên gia y tế tại “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” TP.HCM giai đoạn 2022-2025 tổ chức ngày 16/10. Chuyên gia còn cho biết thêm các nước châu Âu cũng như Singapore đã bao phủ vaccine sau khi trải qua đợt bùng dịch nặng như TP.HCM vì thế nên mạnh dạn mở cửa.

Singapore và châu Âu, bài học cho TPHCM

Mạnh dạn mở cửa phục hồi phát triển kinh tế, vẫn đảm bảo an toàn cho người dân là thông điệp được PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TPHCM trình bày tại hội thảo khoa học về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” TPHCM giai đoạn 2022-2025 tổ chức ngày 16/10.

PGS Dũng khẳng định muốn sống chung một cách an toàn với Covid-19, phải đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine. Và cách để đạt được miễn dịch cộng đồng bền vững chính là chấp nhận sống chung với Covid-19.

Ông cho rằng khi mở cửa, số ca mắc Covid-19 tăng là điều không ai mong muốn nhưng phải chấp nhận. Vaccine sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong. Với tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao, đơn cử như TPHCM đã có hơn 98% người trưởng thành tiêm mũi một, 75% tiêm đủ 2 mũi, số ca nặng, tử vong thực tế giảm rõ rệt.

Ông Dũng chia sẻ trước đây khi dịch bạch hầu xảy ra trên thế giới, có nghiên cứu cho thấy cùng là trẻ em đã được tiêm vaccine phòng bệnh, nhưng trẻ sống trong môi trường không có bệnh bạch hầu nhạy cảm hơn với bệnh so với trẻ sống trong môi trường có bệnh bạch hầu.

Với dịch Covid-19, mỗi quốc gia có hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên ví dụ trên hàm ý miễn dịch cộng đồng có được sau khi tiêm vaccine đạt được trong môi trường có dịch có thể bền vững hơn.

Không rụt rè đóng mở, TPHCM nên tự tin sống chung với Covid-19 như châu Âu - 1

PGS Đỗ Văn Dũng lấy ví dụ Singapore là nước kiểm soát tốt dịch trong thời gian dài, điển hình cho mô hình “ngây thơ Covid” (Covid-naive), thuật ngữ chỉ các quốc gia có rất ít ca nhiễm trước khi có vaccine như Australia, New Zealand. Singapore bắt đầu mở cửa khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi hiện đã đạt tới 83% dân số. Tuy nhiên, khi mở cửa, nước này nhận thấy số lượng ca nhiễm nhanh chóng tăng vọt gấp nhiều lần so với trước đây do biến chủng Delta lây lan mạnh nên rụt rè rút chân lại.

Ngược lại, nhiều nước châu Âu từng chịu những đợt dịch nặng nề, nay đã hoàn toàn sống chung với Covid-19 sau khi bao phủ vaccine. Nếu TPHCM áp dụng cách tiếp cận như Singapore sẽ đối diện tình trạng mở ra, đóng lại. Trong khi đó, TPHCM cũng đã trải qua đợt bùng dịch nặng, nên chấp nhận sống chung với Covid-19 vì TP có đủ cơ sở để đạt miễn dịch tốt hơn so với những nước “ngây thơ Covid”.

PGS Dũng nhấn mạnh dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn phải áp dụng các biện pháp 5K, có tinh thần cảnh giác với dịch bệnh để tự bảo vệ bản thân. Ông cũng cho rằng không cần cách ly tập trung F1 nếu người đó đã tiêm đủ vaccine.

“Muốn có miễn dịch bền vững thì phải chấp nhận sống chung sau khi đã tiêm vaccine, thực hiện biện pháp 5K và luôn luôn cảnh giác. Chúng ta phải tin vào khoa học”, chuyên gia y tế công cộng của ĐH Y Dược TPHCM nhấn mạnh.

Người dân TPHCM tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sau khi các quy định giãn cách được nới lỏng (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Đầu tư cho y tế tuyến dưới để sẵn sàng đối phó nguy cơ trong tương lai

Cũng tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ cần một chiến lược dài hạn đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở, bác sĩ gia đình để có thể chống dịch một cách bền vững và đối phó với những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.

PGS Hiệp dẫn chứng những quốc gia nào có mạng lưới bác sĩ gia đình tốt, người dân nước đó có tuổi thọ trung bình cao, giảm tắc nghẽn hệ thống y tế.

Ông Hiệp cho rằng xu hướng chung của thế giới là chăm sóc sức khỏe tại nhà, không ai mong muốn phải vào bệnh viện. Vấn đề tương tự trong dịch Covid-19 là F0 muốn được cách ly ở nhà nhưng vẫn được theo dõi sức khỏe sát sao, được cung cấp thuốc men đầy đủ.

Ngược lại, không chỉ riêng Covid-19 mà với cả những loại bệnh khác, khi bệnh nhân đều dồn lên bệnh viện tuyến trên sẽ gây nên tình trạng quá tải, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong. Trong khi đó, chi phí điều trị ở bệnh viện tuyến trên luôn đắt đỏ hơn nhiều lần so với tuyến cơ sở.

Do đó, PGS Hiệp đề xuất TPHCM cần có chính sách đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở. Khi các cơ sở y tế tuyến phường xã, phòng khám tư được hoạt động cơ chế theo bác sĩ gia đình, đây sẽ là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân để họ có thể tiếp cận dịch vụ y khoa ngay trong khu vực của mình, không phải vào bệnh viện.

Không rụt rè đóng mở, TPHCM nên tự tin sống chung với Covid-19 như châu Âu - 3
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu (Ảnh: HMC).

Vai trò của bác sĩ gia đình là nắm bắt hồ sơ sức khỏe của từng người dân, gia đình ở khu vực, sẽ kết nối với bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện tuyến trên khi cần thiết để thăm khám cho bệnh nhân. Nếu làm được việc này, các bệnh viện tuyến cuối sẽ giảm tải rất nhiều, chỉ tập trung điều trị chuyên sâu, không phải gánh cả các bệnh thông thường.

PGS Hiệp dẫn chứng ở một số nước phát triển như Singapore, hơn 60% tỷ lệ người hành nghề bác sĩ là bác sĩ gia đình. Trong khi đó, bất cập tại Việt Nam là phần lớn nhân viên y tế lại không muốn làm bác sĩ gia đình vì không có cơ chế. Thêm vào đó, nhiều người dân nào lại mất lòng tin vào y tế cơ sở.

Do đó, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần có chính sách đầu tư vào mạng lưới y tế cơ sở, bác sĩ gia đình để mô hình chăm sóc y tế phát triển theo đúng mô hình kim tự tháp từ đáy. Còn hiện tại, xu hướng tại Việt Nam nói chung lại là hình tháp ngược khi sự đầu tư tập trung cho các bệnh viện tuyến cuối nhưng tình trạng quá tải vẫn không được giải quyết.

PGS Hiệp cũng nhấn mạnh việc phòng bệnh phải xuất phát từ từng cá thể trong cộng đồng. “Đã tiêm vaccine rồi vẫn phải thực hiện 5K, ngoài ra cần tăng cường xịt, rửa mũi, họng đúng cách như thói quen rửa tay vì đây là bệnh hô hấp”, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều