28
category
448113

TP.HCM chuẩn bị ‘siết’ xe cá nhân

12/11/2020 07:04

Hàng loạt giải pháp cùng số vốn “khổng lồ” đã được TP.HCM lên kế hoạch “rót” vào giao thông công cộng với mục tiêu trong 10 năm tới, vận tải hành khách công cộng sẽ tăng gần 6 lần so với hiện nay.

TP.HCM đang dồn lực cải thiện bức tranh giao thông /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
TP.HCM đang dồn lực cải thiện bức tranh giao thông

UBND TP.HCM vừa quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”.

Thu phí ô tô vào nội ô

Đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn TP, tiến đến mốc 25% vào năm 2030, đồng nghĩa với việc mạng lưới xe buýt của TP phải mở rộng gấp 5 – 6 lần hiện nay, Sở GTVT đã đề ra 3 nhóm giải pháp chính: tăng cường VTHKCC; kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và 7 nhóm giải pháp hỗ trợ về quản lý quy hoạch đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý nhu cầu giao thông…

Nếu cứ thấy khó không làm thì TP sẽ mãi luẩn quẩn trong bài toán kẹt xe

TS Huỳnh Thế Du

Trong đó, khối lượng các giải pháp tăng cường giao thông công cộng (GTCC) chiếm tỷ lệ cao nhất với 17 giải pháp nhằm phát triển hạ tầng, hệ thống tàu điện ngầm, cải thiện mạng lưới xe buýt, tăng cường tiếp cận, nâng cao chất lượng phương tiện…

Nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân chỉ gói gọn trong 3 giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy 2 – 3 bánh. Tổng chi phí thực hiện đề án dự kiến hơn 390.000 tỉ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA.

Theo lộ trình của đề án trong giai đoạn 2021 – 2025, giải pháp tiền đề có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân TP là thu phí xe ô tô vào nội ô. Trước đó, Sở GTVT TP đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí bao quanh khu vực Q.1, Q.3 và giáp ranh Q.5, Q.10 được giới hạn bởi các tuyến đường: Hoàng Sa – Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám – Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – Tôn Đức Thắng. Dự án này đã được đưa ra bàn luận, tranh cãi rất nhiều lần và vấp phải không ít phản ứng của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng phát triển GTCC là điều cần thiết nhưng trong khi hệ thống tàu điện ngầm ì ạch chưa hoàn thiện, xe buýt ngày càng thất thế, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bằng các biện pháp kinh tế là không phù hợp.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công – Trường đại học Fullbright Việt Nam, cho rằng việc “đánh” vào kinh tế để kiểm soát xe cá nhân có thể triển khai bất cứ lúc nào, không phải chờ đến khi hoàn thiện mạng lưới GTCC. Việc di chuyển bằng xe cá nhân gây ra gánh nặng, tổn thất cho xã hội về môi trường, kinh tế… nên người sử dụng xe cá nhân phải đóng phí bằng đúng chi phí gánh nặng đã gây ra cho nền kinh tế. Nhà nước sẽ sử dụng khoản tiền này để phát triển GTCC, bù đắp lại những tổn thất mà phương tiện cá nhân gây nên. Ngược lại, sử dụng GTCC là tạo ra ngoại tác tích cực cho nền kinh tế nên sẽ được trợ giá. Đây là công bằng, lấy chi phí của người gây tiêu cực bù cho chi phí của người tác động tích cực.

Nhường không gian để phát triển giao thông công cộng

Song song với việc hạn chế xe cá nhân, TP.HCM cũng triển khai rất nhiều các giải pháp tăng tốc GTCC, mở đầu bằng việc tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt, tái cấu trúc, mở rộng phát triển mạng lưới xe buýt.

TS Huỳnh Thế Du lưu ý các giải pháp phát triển GTCC về cơ bản vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “đẩy – kéo”: Kéo người dân sử dụng GTCC và đẩy người dân ra khỏi giao thông cá nhân. Số lượng xe buýt hiện nay quá ít, xe cá nhân thì ngày càng tăng, nếu đưa thêm nhiều xe buýt vào một hệ thống giao thông “tệ” nhất thì chắc chắn không hiệu quả, không ai đi. Việc thiết kế đường giành riêng cho xe buýt sẽ thiết lập nguyên tắc: Người sử dụng phương tiện GTCC sẽ được tạo điều kiện, đi đường thông thoáng, trong khi nếu sử dụng xe cá nhân thì vừa phải chịu đường chật chội, vừa phải đóng thêm nhiều chi phí. “Chắc chắn những thay đổi sẽ tạo ra nhiều xáo trộn trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày nhưng buộc phải chấp nhận một giai đoạn “quá cảnh” với nhiều khó khăn ban đầu, khi các giải pháp bắt đầu phát huy tác dụng thì mọi thứ sẽ chạy theo đúng guồng. Nếu cứ thấy khó không làm thì TP sẽ mãi luẩn quẩn trong bài toán kẹt xe”, vị này nhấn mạnh.

Đồng tình, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, phân tích: Thực tế TP đang phát triển mạng lưới GTCC, cụ thể là đang xây dựng tuyến metro số 1, chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến metro số 5 và số 2. Trong điều kiện thuận lợi nhất, đến 2030, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường sắt đô thị, tiếp tục mở rộng khoảng 300 tuyến xe buýt, dự kiến phục vụ chưa đầy 30% nhu cầu đi lại của người dân. Ở đây đang mặc định khi các tuyến tàu điện, xe buýt được mở ra, người dân lập tức chuyển qua sử dụng GTCC.

Tuy nhiên sử dụng xe cá nhân là thói quen cố hữu của người Việt nên không thể trông chờ GTCC tốt lên là người dân sẽ tự động chuyển qua sử dụng. Nếu như không có tác động nào nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân thì đến năm 2030, rất khó để GTCC có thể đạt mục tiêu đề ra. Chưa kể hiện nay số lượng xe cá nhân quá đông, nếu không kiểm soát thì không có không gian cho xe buýt phát triển.

Do đó, ngoài giải pháp cung cấp phương tiện thay thế, buộc phải có tác động “gây khó” đối với những người sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để dần dần thay đổi thói quen đi lại, khuyến khích người dân sử dụng GTCC nhiều hơn, nâng cao cải thiện hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước. Đồng thời, qua việc thu phí sẽ tạo ra nguồn thu tương đối để đóng góp vào quỹ phát triển GTCC và cải thiện nút thắt về hạ tầng đường bộ cho TP.

PV/TN

Đọc nhiều