TP.HCM chăm lo người lao động

Hạ Băng 16/01/2023 07:35

TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp kết nối việc làm, đảm bảo quyền lợi và quan tâm chăm lo để người lao động ổn định cuộc sống.

Người lao động được tư vấn việc làm tại Trung tâm Văn hóa quận 5, TPHCM

Trong những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp này bắt đầu giảm từ quý IV/2022, dự kiến kéo dài đến quý I/2023. Điều này dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của công nhân lao động.

Trước tình trạng đó, chính quyền TP.HCM đã phối hợp với tổ chức công đoàn, doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp kết nối việc làm, đảm bảo quyền lợi và quan tâm chăm lo để người lao động ổn định cuộc sống. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM thực hiện khảo sát gần 330 doanh nghiệp thì thấy, có khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giảm đơn hàng. Chính vì vậy, trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người lao động tìm hiểu các chính sách, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong năm 2022, cơ quan chức năng đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động số tiền hơn 28,562 tỷ đồng và 36.702 USD. Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động mất việc, Sở LĐTB&XH phối hợp với LĐLĐ TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức các sàn giao dịch, giới thiệu việc làm. Kết quả, 770/1.083 người bị cắt giảm đã có việc làm mới; Chuẩn bị nguồn tuyển lao động tại 6 công ty khác với nhu cầu tuyển dụng là 6.640 người tại nhiều vị trí để giới thiệu cho người lao động.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH và LĐLĐ T.HCM theo dõi, giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết tại các DN để đảm bảo quyền lợi người lao động. Trước chỉ đạo đến ngày 25/12, các doanh nghiệp phải báo cáo về tình hình trả lương năm 2022 và thưởng Tết, đến nay đã có khoảng 200 doanh nghiệp báo cáo về Sở LĐTB&XH.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ngoài nguồn kinh phí khoảng 140 tỷ đồng chăm lo tết, LĐLĐ TP.HCM cũng chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện và TP.Thủ Đức tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ, chăm lo người lao động khó khăn. Đồng thời lập danh sách người lao động mất việc, giảm việc để điều chỉnh kế hoạch chăm lo theo thực tế phát sinh. Tổ chức công đoàn TP.HCM cũng sẽ tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm do DN khó khăn phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, DN di dời đi nơi khác. Đồng thời, tập trung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động nơi chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không được doanh nghiệp thưởng tết; lao động nữ mang thai, công nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo đang điều trị…

Thời điểm cuối năm, tâm lý không ít lao động mất việc không muốn tìm việc chính thức mà chọn làm thời vụ và hưởng trợ cấp thất nghiệp, hưởng BHXH một lần để về quê, sau Tết mới trở lại tìm việc làm mới. Chính vì vậy, TP.HCM đã đưa ra chính sách, người lao động quá khó khăn có thể đến cơ quan BHXH bất cứ quận, huyện nào để nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, không nhất thiết nộp hồ sơ ở nơi mình cư trú. Hiện nay, BHXH 22 quận huyện, TP. Thủ Đức và 46 bưu cục tiếp nhận hồ sơ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Cuối tháng 12/2022, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2022 – 2026. Hiệu quả thiết thực là, thành phố đã dành hơn 926 tỷ đồng chăm lo Tết Quý Mão cho đối tượng chính sách, người lao động. Đây là một món quà rất có ý nghĩa cho người lao động, người nghèo trước thềm năm mới 2023.

Hạ Băng

Đọc nhiều