130115
topics
544844

TP.HCM cần 1.980 tấn gạo, 4.200 tấn rau, 1.032 tấn thịt, 2 triệu quả trứng/ngày nhưng không lo thiếu

23/08/2021 13:50

Báo cáo về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương trong thời gian siết giãn cách xã hội, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT cho biết, qua cân đối cung cầu giữa các địa phương vẫn đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

TP.HCM cần 1.980 tấn gạo, 4.200 tấn rau, 1.032 tấn thịt, 2 triệu quả trứng mỗi ngày

Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT (Tổ công tác 970), với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của TP.HCM là rất lớn so với các tỉnh, thành khác.

Cụ thể, người dân TP.HCM cần khoảng 1.980 tấn gạo; 4.200 tấn rau, củ, quả; 1.032 tấn thịt và khoảng 2 triệu quả trứng mỗi ngày.

Hiện, TP.HCM tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% trứng. Do hiện nay các chợ đầu mối, chợ truyền thống ngưng hoạt động, các cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm từ thịt cũng giảm công suất, cư dân các tỉnh hồi hương… nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh.

Cụ thể, thịt lợn giảm 37%, thịt gà giảm 28%, thịt bò giảm 56%, trứng gia cầm giảm khoảng 20%.

Tại Đồng Nai, nhu cầu về lương thực, thực phẩm toàn tỉnh như sau: Gạo khoảng 550 tấn/ngày, rau 775 tấn/ngày, trái cây khoảng 470 tấn/ngày, thịt cá các loại khoảng 370 tấn/ngày, trứng khoảng 1,55 triệu quả/ngày.

“Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai có thể tự cân đối được nhu cầu những loại lương thực thực phẩm cơ bản. Một số sản phẩm có sản lượng lớn, cung cấp cho các tỉnh thành và xuất khẩu như thịt các loại 180.000 tấn, trứng gia cầm 370 triệu quả, trái cây 150.000 tấn” – báo cáo của Tổ công tác 970 cho biết.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cần khoảng 540 tấn gạo, 670 tấn rau, 400 tấn trái cây 294 tấn thịt, 930.000 quả trứng mỗi ngày.

Với năng lực sản xuất hiện tại, Bình Dương đảm bảo khả năng cung ứng thịt các loại nhưng thiếu khoảng 64.000 quả trứng gia cầm/ngày.

Mỗi ngày TP.HCM cần bao nhiêu nông sản, thực phẩm? - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng chuyển hàng chục tấn nông sản từ Đồng Tháp về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Ảnh: Dương Triều.

Đảm bảo đủ cung ứng lương thực thực phẩm cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương khi giãn cách xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, qua cân đối cung cầu giữa các tỉnh, thành phía Nam có thể khẳng định, hoàn toàn đảm bảo đủ cung ứng lương thực thực phẩm cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương trong thời gian siết giãn cách xã hội.

Cụ thể, tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành phố về gạo là 92.540 tấn/tháng, trong đó TP.HCM là 59.400 tấn/tháng; Đồng Nai 16.740 tấn/tháng; Bình Dương 16.200 tấn/tháng, trong khi tổng sản lượng cung ứng gạo sau khi tiêu dùng trong tỉnh của các tỉnh lân cận là 460.000 tấn/tháng.

Tổng nhu cầu về rau của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là 169.350 tấn/tháng trong khi tổng sản lượng cung ứng rau sau khi tiêu dùng trong tỉnh của các tỉnh lân cận là 236.000 tấn/tháng.

Đối với sản phẩm thịt, tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành phố về thịt 67.900 tấn/tháng, trong khi tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam Bộ là 200.000 tấn/tháng.

Được biết, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại TP.HCM từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, ngày 21/8/2021, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân thành phố.

Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ công tác Bộ NNPTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ quả đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh Nam Bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa hè thu, khẩn trương xuống giống lúa thu đông theo lịch thời vụ, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản (tôm, cá tra).

Sở NNPTNT các tỉnh Nam Bộ thành lập, củng cố, duy trì và phát triển Tổ công tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Bộ NNPTNT trong thời gian thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-16 và tiếp tục hoàn chỉnh, phối hợp hoạt động dự tính, dự báo nông sản, hình thành và kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại địa phương và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản trong thời gian tới.

Khánh Nguyên

Đọc nhiều