Tổng thống Trump dọa rút khỏi WTO: Kịch bản và những nguy cơ tiềm ẩn

15/08/2019 09:49

Nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế “vô tội vạ” và buộc những quốc gia khác phải có các biện pháp đáp trả.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tình hình không cải thiện. Nhìn lại thời gian qua, chính quyền Washington không ít lần chỉ trích WTO đối xử không công bằng với Mỹ và có phần “ưu ái” Trung Quốc.

 

Ông Trump phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Pennsylvania Shell ở Monaca. Ảnh: The Strait Tímes.
Ông Trump phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Pennsylvania Shell ở Monaca. Ảnh: The Strait Tímes.

Mục đích của Mỹ

Việc Tổng thống Trump tiếp tục dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới không phải là ngẫu nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các lần chỉ trích Tổ chức thương mại thế giới của ông Trump trước đây đều được cho là nhắm vào Trung Quốc và lần gần đây nhất là 26/07 khi ông Trump yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới xem lại quy chế quốc gia đang phát triển của một số nước trong đó có Trung Quốc vì ông Trump cho rằng các nước này lợi dụng điều này để được hưởng các ưu đãi thương mại.

Ông Trump thậm chí còn tuyên bố Tổ chức Thương mại thế giới có 90 ngày để xem xét lại quy chế quốc gia đang phát triển và nếu mọi chuyện vẫn không thay đổi thì Mỹ sẽ đơn phương không coi các nước đó là các nước đang phát triển. Một số nhà phân tích cho rằng, ông Trump sử dụng yếu tố Trung Quốc trong các yêu cầu đối với Tổ chức thương mại thế giới nhằm đạt được hai mục đích, một là gây sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và hai là muốn Tổ chức Thương mại thế giới cải tổ nhằm có lợi cho Mỹ.

Tổng thống Trump đã từng tuyên bố sẽ rút khỏi các cơ chế đa phương và ủng hộ các cơ chế song phương mà thể hiện rõ nhất là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ. Trong cơ chế song phương, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh Mỹ – cả về chính trị, kinh tế, quân sự – để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hoá lợi ích Mỹ, điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được.

Hiện nay ảnh hưởng của Mỹ với Tổ chức Thương mại thế giới vẫn mang tính quyết định vì vai trò độc tôn của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu và trao đổi  thương mại của Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định với hoạt động thương mại thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ. Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi Tổ chức thương mại thế giới hoặc tổ chức này phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích của Mỹ.

Tác động tiềm ẩn

Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập là nhằm cung cấp các quy tắc cho thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo giới quan sát, với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của Tổ chức Thương mại thế giới và việc Mỹ rút khỏi tổ chức này sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng pháp lý kinh doanh toàn cầu. Mỹ chiếm khoảng 11% thương mại toàn cầu.

Vì vậy, việc rời khỏi tổ chức này sẽ là một đòn giáng mạnh vào Tổ chức Thương mại thế giới. Cụ thể, động thái này sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ dễ bị phân biệt đối xử thương mại. Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một nền kinh tế có mối liên hệ toàn cầu. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ có thể nâng thuế “vô tội vạ” và buộc những quốc gia khác phải có các biện pháp đáp trả.

Cụ thể, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu phiền toái, khiến các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới và sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá và giảm sự lựa chọn với người tiêu dùng Mỹ, làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm. Sự sụp đổ của Tổ chức Thương mại thế giới cũng sẽ làm tăng tỷ lệ xung đột bạo lực giữa các quốc gia.

Mỹ toan tính gì?

Tổng thống Donald Trump không thân thiện với Tổ chức Thương mại thế giới bởi vì, ông Trump luôn tâm đắc với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và luôn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chứ không phải tự do mậu dịch mới có lợi nhất cho nước Mỹ. Quan điểm và nhận thức này trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới.

Hơn nữa, ông Trump luôn theo đuổi khẩu hiệu “Nước Mỹ là trước hết” với nội hàm là vì lợi ích riêng của nước Mỹ mà bất chấp tất cả. Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của tổ chức này tức là Mỹ không thể tự tung tự tác để gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác và cũng không tránh khỏi bị các thành viên khác sử dụng các nguyên tắc của Tổ chức này để chống lại Mỹ. Bởi vậy, ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới thì Mỹ sẽ không bị lôi vào chuyện kiện tụng, không còn bị ràng buộc vào mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên.

Tuy nhiên, ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ không thể tự quyết định được việc này, mà phải thông qua Quốc hội Mỹ và không có gì chắc chắn là đa số các thượng nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội cũng muốn Mỹ rút ra khỏi Tổ chức thương mại thế giới như ông Trump. Trong khi đó, ý tưởng này chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối và cản trở tại Hạ viện nơi đảng này đang nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không phải là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới. Không có sự tham gia của Mỹ, Tổ chứcTthương mại thế giới vẫn tồn tại, hoạt động và phát triển. Rút khỏi tổ chức này, Mỹ sẽ bị cô lập hoàn toàn và sẽ không còn đóng vai trò nào trong việc xác định luật chơi chung của thương mại toàn cầu. Nếu một mình Mỹ đối địch với thế giới thì Mỹ chỉ có thể thua thiệt.

Do vậy, có thế thấy rằng, ông Trump hiện chỉ ngỏ ý hoặc ngầm có ý như vậy với mục đích yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới có một số thay đổi có lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chứ cũng khó có khả năng ông Trump có ý định thực sự rút nước Mỹ ra khỏi Tổ chức này trong thời gian tới.

Tieu Diem

Tags :
Đọc nhiều