Tổng thống Putin phê chuẩn dùng vũ khí hạt nhân để tấn công đáp trả

03/06/2020 15:01

Tổng thống Vladimir Putin ngày 2/6 phê chuẩn chính sách ngăn chặn hạt nhân, cho phép ông sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công thông thường nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ và quân đội Nga.

Tổng thống Putin (Ảnh: AP)

Theo AP, động thái trên của Nga dường như phát đi một tín hiệu cảnh báo tới Mỹ. Văn bản mới được phê chuẩn này phản ánh những lo ngại của Nga về sự phát triển của vũ khí tương lai, vốn tạo cho Mỹ năng lực hạ gục các cơ sở quân đội và chính phủ chủ chốt mà không cần sử dụng tới vũ khí nguyên tử.

Tài liệu mới trên tái khẳng định rằng, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc xâm lăng bằng vũ khí thông thường, có khả năng “đe dọa sự tồn tại của nước Nga”. Ngoài ra, Nga cũng có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân nếu nhận được thông tin đáng tin cậy về những vụ phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Nga hoặc lãnh thổ của đồng minh nước này.

Việc Mỹ bồi đắp lực lượng thông thường gần biên giới Nga, triển khai lá chắn tên lửa và vũ khí trong không gian là những mối đe dọa mà Nga đang phải đối mặt, văn bản mới được thông qua cho hay.

Quan hệ Mỹ Nga hiện không mấy tốt đẹp, xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraina, việc Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như nhiều khác biệt khác. Kremlin thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc Mỹ và đồng minh triển khai quân ở vùng Baltic và NATO thường tổ chức tập trận gần biên giới nước này.

Năm 2018, Tổng thống Putin tiết lộ một loạt vũ khí mới có thể vô hiệu hóa hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ. Nó gồm cả tên lửa siêu thanh Avangard, có thể bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh và di chuyển lắt léo để tránh hệ thống tên lửa phòng thủ của đối phương.

Năm ngoái, cả Moscow và Washington đều rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987. Hiện, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất giữa Mỹ và Nga còn tồn tại là START mới, ký kết năm 2010. Nga đã đề xuất gia hạn Hiệp ước START mới, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, song chính quyền Tổng thống Trump lại thúc đẩy một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, gồm cả Trung Quốc.

Hoài Linh/VNN

Tags :
Đọc nhiều