Tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận vụ diệt chủng người Armenia: Căng thẳng với Thổ bị thổi bùng
Tổng thống Biden hôm 24/4 cho biết, cuộc thảm sát người Armenia năm 1915 tại Đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng.
Tuyên bố lịch sử
Tổng thống Biden hôm 24/4 cho biết, cuộc thảm sát người Armenia năm 1915 tại Đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng. Reuters nhận định, đây là một tuyên bố lịch sử khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và làm quan hệ giữa hai đồng minh NATO thêm căng thẳng.
Động thái phần lớn mang tính biểu tượng, phá vỡ nhiều thập kỉ mà ngôn ngữ được suy tính rất thân cận từ Nhà Trắng, đã được cộng đồng người Armenia ở Mỹ hoan nghênh. Tuy nhiên, động thái diễn ra vào thời điểm Ankara và Washington đang vật lộn với những bất đồng về chính sách và nhiều vấn đề.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết phe đối lập đã cho thấy sự đồng lòng hiếm có trong việc bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Biden. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn bác bỏ tuyên bố của Mỹ mà ông cho rằng là chỉ dựa trên chủ nghĩa dân túy trong khi các phe đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ nói đây là một sai lầm lớn.
Trái ngược với những phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, thông điệp của ông Biden đã được người dân Armenia ở Mỹ và trên toàn thế giới hưởng ứng nhiệt tình. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ.
Trong tuyên bố của mình, ông Biden cho biết, người dân Mỹ tôn vinh “tất cả những người Armenia đã thiệt mạng trong cuộc diệt chủng vào ngày hôm nay cách đây 106 năm.”
“Trong nhiều thập kỷ, những người Armenia đã làm giàu cho nước Mỹ bằng rất nhiều cách, nhưng họ chưa bao giờ quên được thảm kịch lịch sử. Chúng tôi tôn vinh câu chuyện ấy. Chúng tôi thấy đau đớn. Chúng tôi khẳng định lịch sử. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ lặp lại,” ông Biden cho hay.
Trong các bình luận tìm cách làm dịu đòn, một quan chức cấp cao nói với các phóng viên rằng Washington tiếp tục coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng của NATO và đang khuyến khích Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ hòa giải.
Trong nhiều thập kỉ, các biện pháp công nhận tội ác diệt chủng của người Armenia đã bị đình trệ ở Mỹ. Quốc hội và hầu hết các tổng thống Mỹ đã hạn chế nói ra điều này bởi những lo ngại về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc vận động hành lang căng thẳng ở Ankara.
Bất đồng nhen nhóm
Một năm trước, khi vẫn còn là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Biden đã có hành động tưởng nhớ 1.5 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em Armenia đã thiệt mạng trong những năm cuối cùng của Đế chế Ottoman và nói rằng ông sẽ nỗ lực để công nhận những vụ giết người đó là tội ác diệt chủng.
Mối quan hệ giữa Ankara và Washington đã trở nên căng thẳng vì các vấn đề từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga – trong khi đây là mục tiêu của các lệnh trừng phạt Nga từ Mỹ – cho đến những chính sách khác biệt ở Syria,..
Reuters cho hay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuy nhiên kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, Washington đã lên tiếng nhiều hơn về các hồ sơ theo dõi nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng kiên quyết yêu cầu Ankara loại bỏ các hệ thống phòng thủ của Nga.
Ông Biden cũng trì hoãn cuộc nói chuyện điện thoại với ông Erdogan – đây được cho là sự lạnh lùng đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp quan hệ căng thẳng, ông Erdogan và ông Biden sẽ gặp nhau vào tháng 6, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels.
Tuyên bố của ông Biden đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và một số chính trị gia đối lập chỉ trích. Faik Oztrak, phát ngôn viên của đảng đối lập chính với đảng Nhân dân Cộng hòa của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “nó sẽ tạo ra những vết thương khó hàn gắn không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Thổ mà còn đối với một cuộc thỏa hiệp tiềm năng giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.”
Đại sứ quán Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cơ quan đại diện của họ ở nước này sẽ đóng cửa vào 26-27/4 do có khả năng sẽ xảy ra các cuộc biểu tình.
Minh Ngọc