Tổng thống Biden tiết lộ tham vọng cực lớn
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25-1 ký ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm tăng sức mua của chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo lập thị trường cho công nghệ mới.
Sắc lệnh nói trên nhằm bịt lỗ hổng của chương trình “Mua hàng Mỹ”, hiện chiếm 1/3 lượng hàng hóa, dịch vụ trị giá 600 tỉ USD mà chính phủ liên bang mua hàng năm. Cũng theo sắc lệnh, Nhà Trắng sẽ bổ nhiệm một vị trí cấp cao để giám sát tiến trình này.
“Ngành sản xuất Mỹ phải là một phần động lực của sự thịnh vượng Mỹ lúc này” – ông Biden khẳng định.
Việc đem lại sức sống mới cho ngành sản xuất nội địa là một phần quan trọng của nỗ lực rộng lớn hơn mà ông Biden đang theo đuổi nhằm cải thiện tiền lương, tạo thêm công ăn việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thiểu số và đẩy mạnh chuỗi cung ứng Mỹ.
Ông Biden nhấn mạnh: “Mỹ không thể ngồi bên lề trong cuộc đua tới tương lai…Để đảm bảo tương lai được tạo ra ngay tại nước Mỹ, chúng ta cần giành được không chỉ việc làm của hôm nay mà còn cả việc làm và các ngành công nghiệp của ngày mai”.
Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ năm 2010 và chiếm 28% sản lượng hàng hóa toàn cầu năm 2018.
Theo các chuyên gia thương mại, việc xây dựng lại chuỗi cung ứng và phát triển các chuỗi mới là chìa khóa đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên 68 tỉ USD vào tháng 11-2020, mức cao nhất trong 14 năm qua.
Một số nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ cũng tung ra chiến dịch “Sản xuất tại Mỹ” đình đám để rồi sau đó “ve vãn” các nhà sản xuất nước ngoài.
Trong khi đó, theo Reuters, nhiều nhà sản xuất Mỹ trong những thập kỷ qua cũng chạy đến những nước có mức lương thấp và tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, trong đó có Trung Quốc. Hậu quả là đại dịch Covid-19 đã phơi bày một loạt vấn đề về sản xuất và cung ứng tại Mỹ, nổi bật là việc sản xuất thiết bị y tế.
(Theo Reuters)