Tổng thống Afghanistan bỏ trốn bị yêu cầu xử tội bán nước: Nga nhận xét đầy khinh miệt
Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi hôm 18/8 kêu gọi Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) truy bắt Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani.
Sputnik News (Nga) dẫn tuyên bố được ông Mohammadi – Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Ghani – viết trên mạng xã hội Twitter: “Những kẻ đem tổ quốc ra để giao dịch hoặc phản bội cần bị trừng trị và bắt giữ.”
Nội dung mà ông Mohammadi đăng tải còn được gắn dòng hashtag “Interpol Arrest Ghani” (Interpol hãy bắt giữ Ghani).
Quan chức Nga nói đầy khinh miệt về Tổng thống Afghanistan bỏ trốn
Trong khi Taliban đã khởi động đàm phán với các lãnh đạo chính trị Afghanistan tại Kabul nhằm tổ chức một chính quyền mới, phong trào này cũng đã tuyên bố thành lập nhà nước Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan vào ngày 19/8.
Một trong những nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói Moskva sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Afghanistan để xác định xem liệu ban lãnh đạo mới tại nước này có thể được coi là hợp pháp hay không.
Trả lời kênh Rossiya 24 ngày 16/8, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, ông Zamir Kabulov, nói rằng đã có hy vọng cho những mối quan hệ mang tính xây dựng khi giờ đây vị Tổng thống được Mỹ ủng hộ của Afghanistan – Ashraf Ghani – đã phải lưu vong.
“Nếu chúng tôi so sánh mức độ dễ dàng khi đàm phán với tư cách đồng nghiệp và đối tác, thì với tôi Taliban dường như đã chuẩn bị sẵn sàng từ rất lâu [cho đàm phán] so với chính quyền bù nhìn ở Kabul,” ông nói.
Theo nhà ngoại giao này, ông Ghani “đắc cử một cách đáng ngờ, quản trị tồi tệ và đã có kết cục tủi hổ”. Kabulov tuyên bố Ghani “xứng đáng bị đưa ra trước công lý và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân Afghanistan”.
Ông Kabulov cho biết Nga “không vội vàng công nhận [chính quyền mới ở Afghanistan]” mà “sẽ quan sát xem chính quyền mới hành xử ra sao”.
Cựu Tổng thống Afghanistan Ghani đã xin tị nạn ở Các tiểu Vương Quốc Ả Rập (UAE) và được UAE hoan nghênh nhập cảnh “vì lí do nhân đạo”. Ông Ghani đã bí mật rời khỏi đất nước vào ngày 15/8, sau khi lực lượng Taliban bao vây thủ đô Kabul. Taliban sau đó đã tiến vào kiểm soát thành phố và chiếm được Phủ Tổng thống.
Nga sẽ không đưa quân vào Afghanistan
Ở một diễn biến khác, giới chức Nga cho biết không có ý định triển khai binh lính đến Afghanistan hay tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực để phản ứng với việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan. Thay vào đó, Moskva sẽ tập trung vào mở các kênh đối ngoại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin khẳng định Moskva không cân nhắc tăng cường triển khai quân thông qua các thỏa thuận quân sự của Nga với các nước láng giềng. Tajikistan, có biên giới giáp Afghanistan, là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt.
Theo ông Pankin, hiện nay các thành viên của CSTO chưa cần thiết phải “leo thang để biểu dương lực lượng” nhằm phản ứng với bất ổn tiềm tàng tại Trung Á. Tuy nhiên, “các biện pháp triệt để” có thể được cân nhắc nếu “nhu cầu về chúng xuất hiện”.
Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, trả lời báo Izvestiya rằng thay vì cử binh, Moskva “sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và chủ yếu nhấn mạnh các nỗ lực chính trị và ngoại giao… [để] giải quyết các vấn đề một cách hòa bình” tại Afghanistan.
Lưu Bình