8
category
359744

Tổng thầu Trung Quốc ‘vắng mặt’, Việt Nam vẫn phải trả… nợ chất đống của Cát Linh-Hà Đông

Thành Nhân 05/02/2020 11:26

Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông vẫn chưa biết ngày “về đích”, nhưng nợ gốc vay Trung Quốc đã tới ngày phải trả, trong khi đó các lao động nước này đang “vắng mặt” trên công trường dự án.

Trong văn bản hỏa tốc gửi Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh Hà Đông.

Theo cơ chế tài chính của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng, cho tới khi thoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Hà Nộivà UBND TP. Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án khi dự án được bàn giao từ Bộ GTVT.

Bộ GTVT cho biết, với cơ chế tài chính như trên, Bộ này đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội.

Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông chưa xác định được ngày hoàn thành nhưng đã đến hạn phải trả nợ gốc

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA), hiện đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.

Với những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành, bàn giao cho UBND TP.Hà Nội, Ban QLDA đã dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 1552,709 tỷ đồng (ký trả nợ gần nhất là ngày 21/1/2020 PV). Ban này cũng đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP.Hà Nội hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho hay, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định trong quá trình hoàn thiện các thủ tục gửi cơ quan được ủy quyền cho vay lại để xem xét, thẩm định, quyết định. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vối đối ứng bố trí trả nợ gốc phần vốn vay lại chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án giãn thời gian trả nợ gốc phần vốn cho vay lại cho đến khi hoàn thành dự án và chuyển giao trách nhiệm nhận, trả nợ từ Bộ GTVT sang UBND TP.Hà Nội. Bộ GTVT cũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí ngân sách để trả nợ nước ngoài khoản vay lại của dự án theo đúng hạn, đảm bảo uy tín trả nợ của Chính phủ.

Theo chấp thuận và chỉ đạo của Thủ tướng, liên Bộ GTVT, Tài chính và Kế hoạch-Đầu tư đã họp xem xét, thống nhất phương án bố trí vốn trả nợ gốc khoản vay lại cho Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông.

Bộ GTVT thông tin, trong bối cảnh Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và có thể dẫn tới những hệ luỵ hết sức nghiêm trọng về kinh tế. Vì vậy, ngày 21/01/2020, Bộ GTVT đã có Quyết định số 100, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 USD của dự án, khoản kinh phí này đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân.

Với tình hình hiện nay, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án. Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các Hiệp định vay đã ký.

Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam Trung Quốc.  Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên  cao, Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông đã “lỡ hẹn” vận hành khai thác trong 3 năm qua và đến nay chưa xác định được ngày “về đích”.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bênh Corona tại Trung Quốc đang lây lan, các lao động Trung Quốc thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông về nước nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng không thể trở lại dự án. Đến 9/2, phía Trung Quốc mới có thông báo tiếp theo về việc có cho công dân xuất cảnh hay không, trong khi Việt Nam cũng chỉ xem xét cấp visa cho khách công vụ.

Sẽ triển khai thêm 5 tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới

Theo quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tưởng phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt. Hiện nay thành phố và Bộ GTVT đang triển khai 3 dự án với 3 đoạn tuyến là Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Hồ Hoàn Kiếm – Trần Hưng Đạo.

Ngoài 3 tuyến đang triển khai Hà Nội sẽ triển khai thêm 5 tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới

Hiện 5 tuyến còn lại thành phố đang lên phương án triển khai, với tuyến Văn Cao – Hòa Lạc dài 37,5 km hiện thành phố đã thuê tư vấn thiết kế. Riêng phần vốn đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng, thành phố Hà Nội có thể chủ động bố trí được theo hình thức đầu tư bằng ngân sách từ nguồn tiền cổ phần hóa và đầu tư công trên địa bàn thành phố. Nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua cho triển khai thì cuối năm 2020 dự án có thể thi công được.

Thành Nhân

Đọc nhiều