Tổng giám đốc WHO cảnh báo ‘cơn sóng thần’ từ biến chủng Omicron
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 29/12 cảnh báo các biến chủng Delta và Omicron đang gây ra “cơn sóng thần” Covid-19.
“Biến chủng Delta và Omicron đang là hai mối đe dọa dẫn đến số ca bệnh tăng cao kỷ lục, qua đó khiến số trường hợp phải nhập viện và tử vong gia tăng”, ông Tedros nói, theo Reuters.
“Tôi rất quan ngại rằng chủng Omicron, vốn có khả năng truyền nhiễm và lây lan cao hơn chủng Delta, sẽ gây ra một ‘cơn sóng thần’ về số ca nhiễm bệnh”, ông Tedros cảnh báo.
Ngoài ra, ông Tedros một lần nữa kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine một cách công bằng hơn, cũng như cảnh báo việc chú trọng vào mũi tiêm bổ sung ở các nước giàu có thể khiến các nước nghèo thiếu hụt vaccine.
Tổng giám đốc WHO cho biết tổ chức này đang vận động để mọi quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% vào giữa năm 2022. Theo ông Tedros, điều này có thể giúp nhân loại vượt qua giai đoạn gay gắt nhất của đại dịch.
Sau gần hai năm xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã gây bệnh cho hơn 281 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người, theo số liệu của Reuters.
Tuy vậy, số ca bệnh ở nhiều quốc gia tiếp tục vượt qua các cột mốc mới. Bộ Y tế Pháp hôm 29/12 công bố nước này ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà một quốc gia châu Âu từng ghi nhận.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng hay nhẹ – tùy thuộc vào tình trạng tiêm vắc xin
Bác sĩ Matthew Bai thuộc khoa cấp cứu tại Bệnh viện Mount Sinai Queens ở New York, cho biết nhìn chung, nếu đã tiêm liều bổ sung, tình huống xấu nhất mà người bệnh có thể gặp nếu nhiễm COVID-19 là có các triệu chứng giống như bị cảm nặng. Nhưng họ sẽ không bị ho, hụt hơi, không thể nói nổi một câu như trước.
Ngoại lệ là với các trường hợp có hệ miễn dịch rất yếu, khi đó, phản ứng miễn dịch của họ vẫn không mạnh dù đã tiêm thêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường. Với người có sức khỏe bình thường, liều vắc xin tăng cường chắc chắn tạo ra sự khác biệt.
Bác sĩ Joseph Varon, trưởng bộ phận chăm sóc bệnh nặng và đơn vị điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế United Memorial ở Houston, bang Texas, cho biết trong số khoảng 50 bệnh nhân nhập viện tại khoa trong bốn tuần qua, 100% đều chưa tiêm vắc xin.
Các bệnh nhân cần nhập viện thường có triệu chứng khó thở, sốt cao, mất nhiều nước. Họ cũng bị viêm phổi nhiều hơn so với người đã tiêm vắc xin.
Người đã tiêm liều tăng cường “hầu như trở lại bình thường” trong vòng vài ngày, trong khi người mới tiêm 2 liều cơ bản có xu hướng “vẫn cảm thấy ốm sau một tuần, một tuần rưỡi hoặc lâu hơn”.
Bác sĩ Craig Spencer, Trung tâm y tế Đại học Columbia, New York, cho biết những người đã tiêm liều tăng cường có thể vẫn bị các triệu chứng như đau họng, mệt mỏi và đau cơ nhiều. Trong khi đó, nếu chưa tiêm tăng cường, người chỉ tiêm hai liều cơ bản bị ho, sốt và mệt mỏi nhiều hơn. Dù sao, họ vẫn không cần phải nhập viện.
Ở người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và liều tăng cường, không có tình trạng đứt hơi nặng.
Hầu hết các trường hợp nhập viện là người chưa tiêm vắc xin. Bác sĩ Spencer nói: “Chúng tôi hiểu rằng có nhiều biểu hiện của bệnh COVID-19, nhưng điều đó không thay đổi sự thật là những người đã tiêm ít có nguy cơ phải nhập viện hơn”.
Biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh ở Mỹ. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này cho biết các bằng chứng ban đầu cho thấy với hầu hết mọi người, đặc biệt là những người tiêm vắc xin đầy đủ, biến thể này ít gây bệnh nặng.
Ngay cả khi biến thể Omicron ít gây nguy hiểm hơn các biến thể trước đây, các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều bổ sung, đặc biệt là với người từ 50 tuổi trở lên.
Tùng Anh