8
category
650495

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Phải tuyên chiến với hàng giả, thuốc giả”

Thảo Nguyên 03/07/2025 11:48

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu quan điểm cứng rắn, không chấp nhận sự tồn tại của hàng giả – đặc biệt là thực phẩm và thuốc – đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải tuyên chiến với loại tội phạm này.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại 11 phường của Hà Nội

“Các cháu nhỏ cần sữa dinh dưỡng thì lại gặp sữa giả. Cụ già ốm yếu mua thuốc với hy vọng chữa bệnh, lại gặp thuốc không thật. Như thế là quá oan nghiệt, quá độc hại.” – Tổng Bí thư phát biểu, thể hiện rõ nỗi trăn trở trước vấn nạn hàng giả, thuốc giả đang len lỏi vào từng chợ, từng hiệu thuốc.

Không chỉ dừng ở cảnh báo, Tổng Bí thư yêu cầu lực lượng chức năng phải hành động quyết liệt, không để tình trạng kiểm tra hàng giả lại dẫn đến cảnh cả chợ phải đóng cửa vì “toàn hàng không rõ nguồn gốc”. “Quản lý kiểu hình thức, nghe ngóng, e dè thì không thể dẹp được thứ tội phạm gây hại trực tiếp đến sinh mệnh người dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh “Không chỉ hàng giả mà hàng kém chất lượng cũng không thể chấp nhận. Phải tuyên chiến.”

Bên cạnh vấn đề hàng giả, buổi tiếp xúc cử tri còn cho thấy cách Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp cận cải cách bộ máy một cách sâu sát, thực chất và đặt người dân vào vị trí trung tâm. Trước lo ngại về việc sáp nhập tỉnh, Tổng Bí thư khẳng định: sáp nhập không đồng nghĩa với xáo trộn quyền lợi, không làm phát sinh gánh nặng hành chính cho người dân.

“Không ai lấy đất trụ sở làm của riêng. Chuyển đổi trụ sở thành trường mẫu giáo, phòng khám – đó là phục vụ dân. Chúng ta làm cải cách để phục vụ chứ không phải để dân chịu phiền.”

Về tâm lý “cán bộ tâm tư”, Tổng Bí thư nêu rõ nghịch lý: “Dân thì rất phấn khởi, rất đồng tình. Tại sao cán bộ lại tâm tư? Phải tự hỏi: mình phục vụ nhân dân hay phục vụ chính mình?” Ông khẳng định, việc sắp xếp lại tổ chức là yêu cầu của Đảng qua nhiều nhiệm kỳ, và cũng là mong mỏi chính đáng của người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng dành thời lượng để trả lời thẳng thắn ý kiến cử tri về thị trường vàng – một vấn đề nhạy cảm và chưa có lời giải dứt khoát trong suốt nhiều năm qua.

“Tại sao bao nhiêu tấn vàng trong dân mà không huy động được? Thế giới còn thống kê, mình thì không quản lý. Không có chính sách rõ ràng, không có sàn vàng, không có cơ chế để người dân gửi vàng hợp pháp cho Nhà nước – đó là thiếu sót.”

Tổng Bí thư cho biết đã họp với Ban Chính sách và các cơ quan liên quan để thúc đẩy xây dựng cơ chế huy động vàng, quản lý chặt thị trường, chống buôn lậu nhưng vẫn tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp của người dân. “Đây là việc lẽ ra Chính phủ phải làm, nhưng vì thấy quá khó và quá quan trọng nên tôi phải chỉ đạo trực tiếp.”

Một điểm đáng chú ý khác là phát biểu của Tổng Bí thư về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Trước những nghi ngại về “tư nhân hóa, tư bản hóa”, Tổng Bí thư khẳng định: “Ai cũng phải lao động, tạo ra của cải. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 50% tăng trưởng, hơn một nửa việc làm – điều đó không có gì phải e ngại.”

Ông khẳng định rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhưng không phủ nhận vai trò làm giàu chính đáng của người dân. Khi người dân tự lo được cuộc sống, đất nước mới mạnh.”

Từ quản lý thị trường, cải cách bộ máy đến phát triển kinh tế tư nhân – các thông điệp Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra đều nhất quán: Không có chỗ cho sự trì trệ, né tránh hay nửa vời trong cải cách.

Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, thuốc giả đang là vấn nạn nhức nhối, phát biểu “phải tuyên chiến” của Tổng Bí thư không chỉ mang tính mệnh lệnh, mà còn là lời kêu gọi toàn hệ thống chính trị hành động thực chất để bảo vệ sức khỏe nhân dân, chứ không dừng ở khẩu hiệu.

“Cải cách là để dân được hưởng. Quản lý là để dân được an tâm. Nếu dân đã không còn tâm tư, thì cán bộ cũng không thể đứng ngoài cuộc.”

 

Đọc nhiều