“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy sự tinh tế của Việt Nam”

24/09/2021 10:20

Đó là nhận định, bình luận của giới truyền thông, các nhà quan sát về cuộc điện đàm “đặc biệt” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 24/9 tại Trụ sở Trung ương Đảng.

“Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự tinh tế và kiên quyết trong chính sách đối ngoại của Việt Nam – “trong nhu có cương”, tất cả phải thực chất và hiệu quả vì lợi ích chung của hai Đảng, hai nhà nước và toàn thể nhân dân”; “Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu quan điểm phản đối việc “chính trị hóa nguồn gốc Covid-19”, tuyên bố, Trung Quốc và Việt Nam, với tư cách là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, chung cộng đồng, chung một vận mệnh” – những bình luận, nhận định đáng chú ý được giới quan sát phân tích.

Sự tinh tế của Việt Nam trước Trung Quốc

Tại cuộc điện đàm lần này, hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Trung Quốc trao đổi hàng loạt vấn đề quan trọng, nóng, cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hai quốc gia. Nhìn tổng thể cuộc điện đàm, có thể đánh giá, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rất rõ sự khéo léo, tinh tế và nhạy bén trong đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao đa phương, tự chủ của Việt Nam.

Điểm đặc biệt, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn trao đổi với ông Tập Cận Bình về những “điểm nghẽn”, những vấn đề nhạy cảm, thậm chí còn bất đồng giữa hai bên, từ việc nghiêm túc thực hiện các hiệp định tự do thương mại mậu dịch, kinh tế biên mậu, mở cửa khẩu thông quan hàng hóa, đến giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách thực chất, hiệu quả và vẹn toàn nhất.

Giới quan sát đánh giá cao thái độ cương quyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề nghị chính quyền Trung Quốc “củng cố hợp tác thực chất trong các lĩnh vực”, “nghiêm túc các thỏa thuận đã đạt được”, tạo cuộc chơi công bằng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, tạo nền tảng bền vững, bình đẳng, nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống quốc tế và giao lưu, hợp tác giữa hai nước, song quan hệ hai đảng, hai nước Việt – Trung tiếp tục duy trì đà phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cảm ơn Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời, mong muốn hai bên tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc triển khai hợp tác phòng, chống Covid-19 và phục hồi, phát triển hậu đại dịch.

Theo thông cáo chính thức được đưa ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.

Cùng với “cương”, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cho thấy thái độ mềm dẻo, khéo léo khi vừa tuyên bố coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng phải hiểu, đó là hợp tác hai bên cùng có lợi, vì lợi ích chung của hai Đảng, hai nhà nước, nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định chung của khu vực.

Vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình?

Tại cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt 100 năm qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao thành công của Trung Quốc về kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, nêu bật việc phát huy quan hệ chính trị, trong đó có việc tăng cường trao đổi ở cấp cao, các bộ, ngành, địa phương.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị củng cố hợp tác thực chất trong các lĩnh vực để đây trở thành nền tảng vật chất, là động lực cho sự phát triển của hai nước”, thông cáo báo chí về cuộc điện đàm nhấn mạnh.

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tiếp tục “thực hiện nghiêm túc” các thỏa thuận đã đạt được, triển khai các thỏa thuận tự do thương mại và kinh tế biên mậu. Đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện để thương mại hai nước phát triển cân bằng hơn, đẩy nhanh thủ tục cấp phép nhập khẩu chính ngạch một số nông sản có thế mạnh của Việt Nam.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một mặt cũng hy vọng Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư những dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, mặt khác cũng đồng thời phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, điển hình như dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân các cấp, dưới các hình thức khác nhau để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu

Tiếp tục giải quyết bất đồng trong tranh chấp ở Biển Đông

Về tình hình Biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những bất đồng về tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ở Biển Đông.

Trong đó, Tổng Bí thư Việt Nam nêu rõ vấn đề về quản lý, bảo vệ biên giới. Tổng Bí thư cũng lưu ý với nhà lãnh đạo Trung Quốc về nội dung thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

“Hai bên tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trên biển, thúc đẩy bàn bạc, thương lượng về tiến hành phân định và triển khai hợp tác, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến việc phối hợp hiệu quả, cùng ASEAN tích cực nỗ lực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Đáp lại về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đồng thuận với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Theo thông cáo báo chí phía Việt Nam, phát biểu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng 76 năm Quốc khánh Việt Nam.

Chủ tịch nước Trung Quốc cảm ơn Việt Nam đã phối hợp với Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động chúc mừng nhân dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời cũng cảm ơn và đánh giá cao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Điện mừng và nhận lời tham dự, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ tin tưởng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Việt Nam hợp tác tinh tế với Trung Quốc, phát triển mối quan hệ ngoại giao và đạt được nhiều thành tựu chiến lược trọng điểm

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ủng hộ Đảng và nhân dân Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của đất nước, ủng hộ Việt Nam chiến thắng dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng nhất trí về việc tăng cường trao đổi cấp cao, đi sâu hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển.

Phát biểu với người đồng cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai bên cần duy trì thường xuyên trao đổi, tiếp xúc các cấp, các ngành và địa phương thông qua các hình thức linh hoạt, đẩy nhanh kết nối chiến lược, hình thành các điểm sáng mới trong hợp tác giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, việc bảo vệ sự cầm quyền của Đảng Cộng sản và hệ thống xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược cơ bản nhất mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều có chung.

Nguyên thủ Trung Quốc cũng tuyên bố cả hai nước cần tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tường Vi

Đọc nhiều