Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về “ngậm ngùi tuổi Thân”

08/05/2021 14:07

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 8-5 cho biết nếu được trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, ông rất vinh dự và sẽ cố gắng làm hết sức mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân tình chia sẻ về ngậm ngùi tuổi Thân - Ảnh 2.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ khi tiếp xúc cử tri để ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sáng nay 8-5, tại quận Ba Đình, TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP Hà Nội đã có buổi gặp gỡ và tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu quận Ba Đình đến tất cả các phường trên địa bàn các quận Ba Bình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

“Tiểu sử của tôi cũng đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Quá trình công tác thì các bác, các anh, các chị cũng đã biết, kể cả lời hứa nếu sắp tới trúng đại biểu Quốc hội làm gì thì tôi cũng đã có chương trình hành động. Tôi xin phép trong không khí thân tình, xin được tâm sự, “ôn nghèo kể khổ”, xin không nhắc lại văn bản đã gửi đến các bác, các anh, các chị” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói

“Tôi sinh năm 1944, tức là năm Giáp Thân. Lâu nay, chúng tôi vẫn nói vui, người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, thân em thì ngậm ngùi tuổi Thân” – Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho biết ông sinh năm 1944, ở Đông Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh sau này sắp xếp lại thì thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. “Tôi vẫn nói là em là dân ngoại ô, dân nửa quê, nửa tỉnh, nên thành thử hiểu biết không nhiều” – Tổng Bí thư chia sẻ.

Năm 1944, lúc bấy giờ đất nước đang khó khăn, năm 1945 (năm Ất Dậu) là năm Cách mạng Tháng 8 thành công rất vĩ đại. “Nhưng năm đó đói ghê lắm. Nhà thì nghèo, nông thôn, có ruộng đất gì đâu, thành phần bần nông, cố nông” – Tổng Bí thư cho biết.

“Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, nhưng thực dân Pháp cai trị nước ta, mở rộng ách áp bức bóc lột. Cho nên, chúng tôi phải tản cư lên Thái Nguyên. Năm 1946, tôi mới 2 tuổi, mẹ tôi kể lại, gánh tôi 1 bên thúng ngồi, chị tôi 1 bên thúng ngồi, gánh đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên đi tản cư. Sau này gọi là đi sơ tán lên nhà người quen ở nhờ suốt từ năm 1946 đến năm 1950” – Tổng Bí thư cho biết.

“Đến năm 6 tuổi thì tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học. Lúc đó, không có trường lớp gì cả, có ông giáo làng, dạy cho trẻ con. Tôi bắt đầu học đến năm lớp 3 trong trường làng, đến năm lớp 4, cả 2 xã (Đông Hội và Mai Lâm) mới có 1 lớp 4, thầy giáo, cô giáo của tôi là từ Vĩnh Phúc về. Ngày ấy, mới học lớp 4, tôi còn bé lắm” – Tổng Bí thư chia sẻ tiếp.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân tình chia sẻ về ngậm ngùi tuổi Thân - Ảnh 1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP Hà Nội đã có buổi gặp gỡ và tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tổng Bí thư cho biết đến lên cấp 2 thì ở Từ Sơn, Bắc Ninh không có trường học, phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm. “Đi qua đấy là phải qua sông Đuống, quãng đường cũng xa, trước phải đi qua đò. Nhà thì không có đồng hồ, chẳng biết giờ nào đi học nên cứ gà gáy thì bố gọi dậy đi học. Khi đó mới 11, 12 tuổi mà đi bộ suốt từ nhà sang Gia Lâm học cấp 2, cấp 3 ở trường Nguyễn Gia Thiều” – Tổng Bí thư kể.

“Nhắc lại kỷ niệm một mình đi trời rét, đi đất, mặc bộ quần áo nâu, đi qua bãi tha ma sợ lắm. Các cụ còn dặn đừng sợ, cứ nhìn về đằng trước, cảm thấy ai đằng sau thì đừng quay lại vì quay lại càng sợ. Lúc ra ngồi gần bến đò chả có giờ giấc gì, có khi 3-4 giờ sáng cứ ngồi đó chờ sáng để người ta chở đò sang qua sông Đuống, đi qua mấy thôn. Đi dọc đường chó sủa cắn mà chỉ có một mình” – Tổng Bí thư nói.

“Thưa với các bác là 6 năm, lúc bấy giờ mong chờ nên viết thư tình nguyện đi vào miền Nam chiến đấu nhưng không được đi. Họ giải thích có người phải đi chiến đấu nhưng có người phải ở lại học, để chuẩn bị mai kia thắng lợi còn xây dựng đất nước. Đi học cũng tiến bộ, từ đội viên lên đoàn viên, rồi cũng được làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn… Sau đó, tôi đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc và được tuyển thẳng vào đại học Tổng hợp khoa Văn, rồi lại lên Thái Nguyên” – Tổng Bí thư kể tiếp.

Theo Tổng Bí thư, lúc đó không phải như bây giờ học hết phải đi xin việc mà cuối khóa các cơ quan người ta về nhìn xem lý lịch, hồ sơ. “Được sự phân công của Đảng thì tôi chấp hành thôi vì tôi vào Đảng từ năm học Đại học nên phải chấp hành” – ông nói.

Sau đó, ông được phân về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967 và đến năm 1996 thì được chuyển tới Trung ương, làm công tác tư tưởng, chính trị, nghiên cứu lý luận, phụ trách công tác lý luận của Đảng và làm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

Từ 1996, ông được phân công về Hà Nội làm Phó bí thư Thành ủy, phụ trách khối Đại học và Cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội…. Rồi sau đó làm Bí thư Thành ủy từ năm 2000 cho đến 2006.

“Tôi đang kể cái “ngậm ngùi tuổi Thân” đấy ạ. Đúng là vất vả từ bé” – Tổng Bí thư chia sẻ thân tình.

Sau một thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội hai khóa. Sau đó làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương, 6 khóa ủy viên Bộ Chính trị.

“Đến bây giờ tôi năm nay 77 tuổi rồi. Đại hội XIII vừa rồi tôi đã xin nghỉ, xin thôi rồi nhưng tại họp báo sau Đại hội, tôi nói công khai. Tôi nói năm nay tôi đã cao tuổi rồi, sức khỏe có hạn, tôi xin không ứng cử nhưng Trung ương quyết định, Đại hội bầu, là Đảng viên nên tôi phải chấp hành” – Tổng Bí thư nói.

“Nay xin tâm sự thật, cũng là “ngậm ngùi tuổi Thân” ở chỗ đó. Tuổi Thân vất vả” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thân tình nói.

Lần này được Trung ương giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hôm vừa rồi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, ông cũng đã nói: “Như này là nhờ được sự giúp đỡ của nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự hỗ trợ của tất cả anh em đồng nghiệp.

“Quận Ba đình tôi tiếp xúc cử tri nhiều lần và lắng nghe ý kiến của các bác, lần này được giới thiệu, nếu được trúng cử Đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, làm gì đã có trong chương trình hành động”.

Văn Duẩn

Đọc nhiều