Tổng Bí thư ký quyết định “bịt đường” những kẻ lợi dụng gia thế, vị trí công tác chạy chức, chạy quyền
Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23-9.
Điều 10 của quy định đã miêu tả chi tiết 6 hành vi chạy chức, chạy quyền. Trong đó, nêu rõ, hành vi chạy chức, chạy quyền khác được chỉ ra là dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…
Quy định mới cũng quy định rất rõ người làm công tác cán bộ và nhân sự liên quan nếu có hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lý rất nghiêm.
Cụ thể, cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành thì tùy mức độ kỷ luật còn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 18 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra).
Cảnh cáo (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 30 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra).
Cách chức (không đưa vào quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch trong thời gian 60 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật có hiệu lực, không bố trí công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra).
Khai trừ đảng, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng.
Cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính nội bộ.
Từ chạy chức, chạy quyền dẫn đến ra nhiều thứ “chạy” khác
Chạy chức chạy quyền là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ. Việc này đã có từ lâu, mấy nhiệm kỳ vừa qua đều đã nói nhưng gần đây có một số vụ việc nổi lên, đơn cử như vụ Trịnh Xuân Thanh gắn với luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nên được quan tâm nhiều hơn.
Từ chạy chức, chạy quyền dẫn đến ra nhiều thứ “chạy” khác, như trước đó phải chạy quy hoạch, muốn được quy hoạch thì chạy bằng cấp để đủ điều kiện, rồi chạy tuổi tác, kể cả chạy nhận xét, đánh giá trước khi vào quy hoạch…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Phát biểu của Tổng Bí thư như một cảnh báo về đặc quyền, đặc lợi do chức vụ, vị trí công tác mang lại cho những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất. Vì thế mà không ít kẻ chấp nhận lao vào cuộc chạy đua chức quyền, với mục tiêu nhằm “vinh thân, phì gia” cũng bởi lối tư tưởng cổ hủ “thâm căn cố đế” của những “ông quan” thời hiện đại chỉ biết vỗ ngực tự hào về chức tước, lương bổng. Và tất nhiên, hệ lụy của nó là biểu hiện cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, vòi vĩnh của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên bị phanh phui thời gian gần đây đã phần nào giúp giải đáp về những đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, đảng viên hư hỏng…
Để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đòi hỏi cần có sự chuyển động mạnh mẽ mang tính đột phá của cả bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cán bộ. Đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ, nhất định phải thực hiện nghiêm túc có hiệu quả quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Hà Nhiên