Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Đảng kế thừa bài học xử Trần Dụ Châu

29/01/2020 07:34

Cách đây 70 năm (tháng 9/1950) một vụ rất đặc biệt được đưa ra xét xử, bị cáo là Trần Dụ Châu (đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu) bị kết án tử hình. Bài học từ xử lý vụ án này mãi còn nguyên giá trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với Đảng và Nhà nước ta đang tiếp nối tư tưởng đó trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

bai 3: tong bi thu, chu tich nuoc va dang ke thua bai hoc xu tran du chau hinh anh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp (ảnh IT).

Bài học từ vụ án 70 năm trước

Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án gây rung động thời điểm cách đây 70 năm. Vụ án được phát hiện từ bức thư của đại biểu Quốc hội – nhà thơ Đoàn Phú Tứ gửi tới Bác Hồ. Sau khi đọc kỹ bức thư, Hồ Chủ tịch đã trao cho Thiếu tướng Trần Tử Bình, lúc đó đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Bác nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, sau đó Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý. Trước chứng cứ sai phạm của Trần Dụ Châu, Hồ Chủ tịch dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Tháng 9/1950, tại thị xã Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt xét xử Trần Dụ Châu và 2 đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình”, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi bị tuyên án tử hình, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với ông Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho ông Trần Đăng Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

– Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa…

– Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

– Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Người đã bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu. Người cũng chỉ thị vụ án này phải được thông tin rộng rãi để nhân dân biết.

Theo GS –TS Hoàng Chí Bảo (nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương), Hồ Chủ tịch có tấm lòng bao dung như trời biển, nhưng khi phải nghiêm khắc để trừng trị cái ác, cái xấu Người không phải giờ tỏ ra dao động, hết sức quyết liệt.

Trong năm qua nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử, trong đó có vụ Mobifone -AVG (đồ họa Việt Anh).

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh

Trở lại với vấn đề của ngày hôm nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện cũng đang được làm quyết liệt. Có thể thấy chưa có nhiệm kỳ nào số cán bộ đảng viên cấp cao bị xử lý nhiều như nhiệm kỳ Đại hội XII này. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Là người từng nhiều năm làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, quan theo dõi chưa thấy có nhiệm kỳ nào có tới 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị thi hành kỷ luật. Mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vi phạm của một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (ông Lê Thanh Hải) và nhiều nguyên cán bộ cấp cao khác. Điều này càng khẳng định quyết tâm làm trong sạch Đảng.

Khi nhắc đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Tại những Hội nghị Trung ương khóa XII, khi Trung ương thi hành kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.

Tại những hội nghị, phiên họp và cả những cuộc gặp gỡ quan trọng, những buổi tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn nhắc tới công tác đấu tranh phòng chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Thông điệp “chống tham nhũng không có chuyện nhụt ý chí, không mệt mỏi” luôn được nhấn mạnh.

Nhớ lại hồi trung tuần tháng 5/2019, sau một thời gian nghỉ chữa bệnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trở lại làm việc trong buổi họp cán bộ chủ chốt (gồm Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư). Tại đây ông đã nói phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cho rằng, phải tuyệt đối xóa lo lắng của người dân khi nghĩ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trùng xuống.

Nhìn nhận về phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược –Bộ Công an) có nhận xét đáng chú ý: Thời điểm đó dù sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bị ảnh hưởng nhưng qua phát biểu thấy ý chí và quyết tâm chính trị của ông không hề suy giảm.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Một trong những điều ông thấy tâm đắc trong các phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là đừng lo chống tham nhũng mạnh thì sẽ không có người để làm việc; chúng ta không thiếu gì người tận trung với nước, tận hiếu với dân để làm việc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm mạnh để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 420 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều đau xót, nhưng không thể không làm vì trong sạch của Đảng, vì sự tồn vong của chế độ, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Nhìn vào con số, danh sách cán bộ bị kỷ luật  cũng cho thấy việc xử lý cán bộ là “không có vùng cấm”, không có ai là “bất khả xâm phạm” ngoài luật pháp và kỷ luật của Đảng.

(Theo DV)

Đọc nhiều