‘Tối qua Bộ trưởng Tô Lâm hỏi có ủng hộ luật này không, tôi rất ủng hộ’

16/09/2020 11:40

Nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý có một luật riêng quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, song băn khoăn việc chuyển sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ là đạo luật tiến bộ, nhân dân sẽ đón nhận /// Ảnh Gia Hân
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ là đạo luật tiến bộ, nhân dân sẽ đón nhận

Người trong cuộc cũng nói tách luật là cần thiết

Sáng 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 48 cho ý kiến về dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đây là dự án luật chưa có trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2020, do Bộ Công an đề xuất với phạm vi điều chỉnh được tách ra một phần từ luật Giao thông đường bộ sửa đổi mà Bộ GTVT là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Trái ngược với nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách luật tại phiên họp chiều qua, 15.9, tại phiên họp cho ý kiến về dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sáng 16.9, nhiều ý kiến đồng tình trình ra Quốc hội 2 dự án luật gồm luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao về sự công phu chuẩn bị hồ sơ dự án luật của ban soạn thảo và cho rằng, đây là đạo luật tiến bộ, dân sẽ đón nhận.

“Đây là đạo luật thay đổi nhận thức, tập quán khá tự do khi tham gia giao thông của người Việt Nam”, ông Giàu nói và đề nghị công tác tuyên truyền, phổ cập quy định của luật này phải được triển khai sâu rộng trong nhân dân.

“Tối hôm qua, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an – PV) hỏi tôi có ủng hộ đạo luật này không. Tôi nói rất ủng hộ”, ông Giàu cho hay.

Trong khi đó, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh – cơ quan thẩm tra dự án luật này, cũng cho rằng, việc tách thành 2 luật là phù hợp với chủ trương, không trái Hiến pháp và cũng không xung đột với luật Giao thông đường bộ vì đây là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

“Làm 2 cái luật này tách bạch ra thể hiện quyết tâm cao của bộ chủ quản, rõ ràng, chuyên sâu hơn, trách nhiệm cao hơn”, ông Việt nói, đồng thời cho biết, chính những người trong cuộc là Bộ GTVT cũng nói việc chia luật này thành 2 luật là cần thiết, có lợi cho đất nước.

Tuy nhiên, bảo lưu quan điểm ngày hôm qua, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc sửa luật Giao thông đường bộ là cần thiết song vấn đề phải bàn kỹ về tính hợp lý, thống nhất của việc sửa luật. Theo ông Lưu, nếu tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì cũng phải sửa luật Hàng không, luật Đường sắt… theo hướng là tách luật.

Bên cạnh đó, nhắc lại quan điểm ngày hôm qua, ông Lưu cho rằng, giao thông đường bộ là thể thống nhất các yếu tố gồm cả giao thông tĩnh và giao thông động. Do đó, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ không chỉ là những yếu tố giao thông động mà gồm cả những yếu tố giao thông tĩnh. Do đó, việc tách thành 2 dự luật, theo ông Lưu không khỏi dẫn đến chồng chéo.

Từ đó, ông Lưu đồng ý vẫn trình ra Quốc hội 2 dự án luật để Quốc hội cho ý kiến, nếu Quốc hội đồng ý thì sẽ thông qua tại kỳ họp 11 còn nếu thấy có vấn đề thì Quốc hội sẽ quyết định.

Cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Cùng với việc tách luật thì vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn là đề xuất chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban này đồng ý với phương án mà Chính phủ đề xuất và phương án này cũng đã được Bộ GTVT đồng ý.

'Tối qua Bộ trưởng Tô Lâm hỏi có ủng hộ luật này không, tôi rất ủng hộ' - ảnh 1
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bảo lưu quan điểm cân nhắc việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật riêng, đồng thời không đồng tình việc chuyển đổi trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Ảnh Gia Hân

Tuy nhiên, theo ông Việt, có ý kiến đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện, tính hiệu quả của phương án nêu trên và kinh nghiệm các nước trong quản lý nội dung này.

“Đây là vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo”, ông Việt nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước từ bộ này sang bộ kia là chuyện bình thường. “Giống như khi ta sáp nhập bộ máy. Khi tách ra hay nhập vào đều có căn cứ, lý lẽ cả”, ông Chiến nêu và cho rằng, quan trọng nhất là sự đồng thuận cao.

Từ đó, ông Chiến đồng ý việc bổ sung dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. “Nếu có ý kiến khác nhau thì theo đa số. Cần thiết thì xin ý kiến của cấp có thẩm quyền”, ông Chiến đề nghị.

Đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn, việc chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì những người quản lý công tác này ở Bộ GTVT sẽ giải quyết như thế nào?

“Giao quyền quản lý từ bộ này sang bộ kia thì cần có tổng kết, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội thậm chí là xin ý kiến cấp có thẩm quyền”, bà Nga đề nghị.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, báo cáo của Chính phủ cho rằng, nhiều nước giao việc này cho cơ quan công an quản lý là không hoàn toàn đúng. Chẳng hạn như Trung Quốc giao cho Cục Đường bộ, Singapore giao cho cơ quan dân sự còn Mỹ thì giao cho chính quyền địa phương.

“Không phải cái gì cũng lực lượng vũ trang công an”, ông Lưu nhấn mạnh và cho biết, luật Giao thông đường bộ hiện hành đang giao cho 3 bộ là Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý vấn đề này nhưng liên quan tới quản lý nhà nước về giao thông thì chịu trách nhiệm chính phải là Bộ GTVT.

“Phạm vi quản lý nhà nước của bộ nào thì phải đảm bỏ tính ổn định chứ không phải xáo trộn”, ông Lưu nêu quan điểm.

PV/TN

Đọc nhiều