Tới Philippines, ngoại trưởng Trung Quốc giở chiêu bài ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’
‘Chúng ta không thể để 1% khác biệt làm chệch hướng 99% mối quan hệ’, ông Vương Nghị nhắn gởi tới các nhà lãnh đạo Philippines sau chuyến thăm nước này. Ngoại trưởng Trung Quốc đã chìa nhiều ‘cành ô liu’ trong chuyến thăm Đông Nam Á.
Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến thăm một loạt các nước Đông Nam Á hôm 16-1. Động thái diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang bận bịu với việc chuyển giao quyền lực tổng thống.
Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong nhận xét mục đích của chuyến đi là rất rõ ràng: tranh thủ lúc nội bộ Mỹ đang bất ổn để củng cố và tái lập quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Tại Philippines, quốc gia duy nhất trong khu vực có hiệp ước đồng minh với Mỹ, ông Vương Nghị đã chìa ra nhiều “cành ô liu” hấp dẫn.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 18-1, ngoại trưởng Trung Quốc cho biết ông đã nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông khi gặp lãnh đạo Philippines.
“Cả hai bên đều nhất trí rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ Trung Quốc -Philippines”, ông Vương Nghị nhắc lại kết quả cuộc hội đàm. “Chúng ta không thể để 1% khác biệt làm chệch hướng 99% mối quan hệ”.
Ngoại trưởng Trung Quốc kế đó cho biết ông đã nêu giải pháp “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” tại Manila. Theo lời ông Vương Nghị, phía Philippines đã đồng ý rằng sẽ cùng với Trung Quốc “quản lý tranh chấp một cách hợp lý” và thúc đẩy các dự án khai thác năng lượng chung trên Biển Đông.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trở nên nồng ấm dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Hồi năm 2019, Manila và Bắc Kinh đã ký biên bản ghi nhớ về việc khai thác dầu khí chung trên Biển Đông.
Theo SCMP, Chính phủ Philippines đã dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí hồi tháng 10-2020, một động thái được dự báo sẽ làm hồi sinh dự án khai thác chung với Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15-1 cho biết Brunei và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một nhóm nghiên cứu về các khả năng hợp tác khai thác năng lượng chung trên Biển Đông. Brunei đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2021.
Brunei và Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, yêu sách đường 9 đoạn vô lý mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông lại chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.
BẢO DUY/TTO