Tôi nợ bà Nguyễn Thị Kim Tiến một lời xin lỗi!
Đúng là không phải cái gì trước mắt cũng nói lên bản chất. Phải đến khi gặp chuyện mới ngộ ra sự thật.
Tôi cũng đã từng lên mạng xã hội FB, bắt theo trend mà dè bỉu, cạnh khoé nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi bà kêu gọi phát quang bụi rậm, lật úp lu nước bỏ không để phòng sốt xuất huyết; khuyên mọi người thường xuyên rửa tay diệt virus, vi khuẩn xâm nhập; tập thể dục để tăng sức đề kháng… Lúc đó có rất nhiều người cười nhạo bà ấy làm ba cái vụ ruồi bu. Rồi đủ thứ chuyện từ thiếu giường bệnh, thuốc giả đến vắc-xin kém chất lượng…, chuyện gì cũng réo tên bà ra chửi. Facebook tràn ngập những ảnh chế độc ác về bà. Trong khi bà không phải là thánh trong muôn vàn khó khăn, thử thách của ngành Y tế nước nhà.
Mà lạ cái là bà không hề thanh minh, phản pháo. Hồi dịch tiêu chảy cấp, Mers, Ebola đe doạ, tôi nhớ không lầm thì bà chỉ huy phòng chống dịch rất quyết đoán và tự tin. Nhưng khi bà được nước Pháp trao huân chương Bắc đẩu bội tinh, một số người nghĩ ngay là phương Tây đang làm ngoại giao tích cực và khen đểu đấy.
Trước khi về hưu, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những phút trải lòng với báo giới khiến tôi phải giật mình nhìn lại. À, hóa ra bà ấy đã làm được nhiều chứ. Bà ấy có 1 nhiệm kỳ làm thứ trưởng, 8 năm làm bộ trưởng và kết quả to lớn nhất đạt được là chính sách ngành Y tế được cải thiện rõ rệt.
Thứ nhất, thái độ của cán bộ y tế cải thiện rõ rệt.
Thứ hai, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện cải thiện rõ. Trước kia có những lúc 3 – 4 bệnh nhân cùng một giường.
Thứ ba, nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, mở ra với điều kiện khang trang, hiện đại, trang thiết bị không kém so với các nước trong khu vực. Nhiều kỹ thuật cao trong ngành y tế đã sánh ngang tầm khu vực, quốc tế, được ứng dụng để phòng chữa bệnh cho người dân.
Thứ tư là vấn đề đổi mới tài chính, giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, đúng với giá trị thật. Khi giá dịch vụ cao, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, cái đó người dân được hưởng lợi trong khi không phải bỏ thêm viện phí do bảo hiểm đã chi trả.
Thứ năm là cán bộ y tế có thu nhập tốt hơn, cơ sở của bệnh viện có đủ kinh phí để mua ga bọc trải giường, mua ghế ngồi chờ cho bệnh nhân, máy lạnh, rồi đầu tư thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhà vệ sinh xanh – sạch – đẹp.
Thứ sáu, trong cơ chế tài chính, những chi phí đó do bảo hiểm chi trả chứ không phải người dân bỏ tiền túi ra, trong khi bảo hiểm giai đoạn này đã phủ kín toàn dân.
Thứ bảy, ý kiến đánh giá làm những người làm ngành Y vui nhất, hạnh phúc nhất, đó là tỉ lệ hài lòng của người dân, trong khảo sát độc lập hơn 80% hài lòng.
Và đến hôm nay, khi mối đe doạ dịch Covid-19 đang uy hiếp, khi mà hệ thống CDC – Trung tâm Phòng ngừa, kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh/thành khởi động hiệu quả, mới ngớ ra là chính bà đã góp công lớn trong việc chuyển giao hệ thống này từ Mỹ về Việt Nam. Hồi đó, báo chí có đăng tin mà chẳng mấy ai quan tâm vì nghĩ nó quá xa vời nhưng tin rằng, những ngày qua, đã có rất nhiều người nhắc lại điều này.
Khi một Tiến sĩ Dịch tễ học, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM lên ghế bộ trưởng Y tế, dân tình nhiều người hoài nghi, coi thường. Khi bà về hưu sau 2 nhiệm kỳ, một số người (trong đó có tôi) vỗ tay khoái chí. Nhưng hoá ra, cũng trong một lần ra tay, một bác sĩ phẫu thuật giỏi sẽ cứu được một người nhưng một bác sĩ dịch tễ giỏi sẽ cứu hàng ngàn người. Không nói trước được, Việt Nam sẽ còn phải đối phó với nhiều nạn dịch khác nữa nhưng với những thành quả hiện tại thì nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp tới, tôi xin gửi đến bà Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lời cảm ơn và một lời xin lỗi chân thành cùng với sự tri ân các Y – Bác sĩ khác của ngành Y.
Trương Duy Hoà