Tôi không nghĩ đến ‘tình huống dịch thứ 3’, tình hình 10 ngày tới phụ thuộc vào mỗi chúng ta

14/07/2021 15:24

Có 3 kịch bản đang được đặt ra về khả năng chống dịch tại TP.HCM sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16. Số ca mắc mới vẫn tăng hằng ngày, nhưng liệu dịch tại TP.HCM có còn nóng sau 15 ngày này và làm sao để trở về cuộc sống bình thường?

Tôi không nghĩ đến tình huống dịch thứ 3, tình hình 10 ngày tới phụ thuộc vào mỗi chúng ta - Ảnh 1.
Người dân thành phố chờ để lấy mẫu xét nghiệm – Ảnh: Bộ Y tế

Tôi có theo dõi 3 tình huống về tình hình dịch tại TP.HCM mà lãnh đạo thành phố đã đề cập ngày 13-7:

– Thứ nhất, thành phố kiểm soát được dịch sẽ xem xét duy trì chỉ thị 16 hoặc hạ xuống 15 hay 19 tùy tình hình.

– Thứ hai, chúng ta chưa kiểm soát được dịch và dịch vẫn gia tăng, ta vẫn áp dụng chỉ thị 16 và 16 + ở một số địa bàn.

– Thứ ba, dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát, thành phố sẽ phải áp dụng biện pháp mạnh hơn là phong tỏa.

Phát biểu trên của lãnh đạo TP.HCM chứng tỏ quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh bằng mọi biện pháp, không nao núng, không dao động, đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên các lợi ích khác.

Sự quyết tâm này theo tôi là yếu tố quan trọng nhất để đẩy lùi dịch bệnh, là năng lượng tinh thần vô cùng quý giá trong lúc này để nhân dân TP.HCM đồng sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh.

Chính điều này làm tôi không nghĩ đến tình huống thứ ba.

Vậy làm thế nào để chúng ta khống chế và đẩy lùi dịch bệnh như tình huống thứ nhất, theo tôi cần:

– Nhanh chóng xét nghiệm và tiêm vắc xin bằng cách chia nhỏ các điểm xét nghiệm và tiêm vắc xin càng nhiều càng tốt, phân chia thời gian hợp lý, thực hiện thật tốt 5K.

Tránh biến nỗ lực quyết tâm của chúng ta trở thành thảm họa cho người dân, khi nơi xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin trở thành nơi lây nhiễm như đã từng xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy nhau của hàng ngàn người vừa qua.

– Thực hiện triệt để chỉ thị 16 trong toàn TP.HCM với phương châm “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận…” để cắt đứt nguồn lây.

Phải đặc biệt quan tâm đến F0 từ vùng chưa được xét nghiệm truyền bệnh cho người ở vùng đã được xét nghiệm, F0 đã được cách ly ra khỏi cộng đồng, đưa đi điều trị.

– TP.HCM phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt chỉ thị 16 bằng cách khẩn trương cứu trợ cho những hộ nghèo, không để một ai, một gia đình nào bị đói, bị đứt bữa. Dân không còn gì ăn sẽ chạy ra đường để kiếm sống. Nỗi lo thiếu ăn còn lớn hơn nỗi lo nhiễm bệnh.

– Vai trò của truyền thông và mạng xã hội đến người dân cũng không kém phần quan trọng, trong đó có hai luồng ý kiến làm ảnh hưởng đến công cuộc chống dịch:

+ Coi dịch COVID-19 như cúm mùa, không việc gì phải lo, mọi phương pháp chống dịch là vô nghĩa, tốn kém. Điều này trái hoàn toàn với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhận định này làm người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm chỉ thị 16.

+ Gieo rắc nỗi sợ hãi về COVID-19 bằng những suy diễn phi khoa học như chủng Delta có thể lây nhiễm cách xa 15m, hoặc lướt qua nhau 3 – 4 giây dù đeo khẩu trang vẫn bị lây nhiễm… Rồi TP.HCM hãy chấp nhận sống chung với lũ COVID-19.

Tất cả những thông tin trên gây nhiễu loạn, làm người dân hoang mang lo sợ, phó mặc cho số phận, giảm ý thức phòng chống dịch.

Vì vậy việc truyền thông trung thực, khoa học, theo khuyến cáo của TP.HCM và Bộ Y tế rất quan trọng, giúp cho nhân dân hiểu đúng về dịch bệnh, từ đó đồng sức đồng lòng cùng với các cấp chính quyền thực hiện tốt chỉ thị 16.

– Các cấp chính quyền phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo, lường trước được những khó khăn để có biện pháp tháo gỡ. Và vấn đề vô cùng quan trọng nữa là “vắc xin ý thức” của người dân góp phần quan trọng trong cuộc chiến này.

Vì vậy TP.HCM sau 10 ngày nữa có đẩy lùi được dịch bệnh hay không phụ thuộc vào mỗi chúng ta.

Bác sĩ TRẦN SĨ TUẤN

Tags :
Đọc nhiều