Tôi bị bạn thân không nhìn mặt vì lì xì 20 nghìn đồng
Đứa bé 4 tuổi mở bao lì xì, thấy chỉ có 20 nghìn đồng nên vứt bao tại bàn, bạn thân thì cắt luôn liên lạc với tôi.
Xung quanh bài viết “Người lớn làm hư trẻ bằng lì xì“, nhiều độc giả chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười vì lì xì ít tiền:
Thanh: Tôi lì xì 20 nghìn đồng, bạn thân không thèm nhìn mặt. Thông thường, mỗi dịp Tết, tôi lì xì cho hai đứa con ruột bạn thân mỗi đứa 200 nghìn đồng. Nhưng năm ngoái, người bạn đó không dẫn theo con ruột mà là con 4 tuổi của bạn gái mới quen. Theo lễ, tôi mừng 20 nghìn đồng vì không quen biết, cháu bé mở bao lì xì luôn rồi vứt bao tại bàn, bạn thân thì cắt luôn liên lạc với tôi.
Nguyễn Quốc: Tôi từng bị một người bạn góp ý nhắc khéo lại câu chuyện lì xì, chỉ vì qua nhà bạn đó chơi và gặp hai đứa em họ mới học lớp ba. Tôi lì xì mỗi đứa 20 nghìn đồng tiên mới tinh. Kết quả, tôi bị ba đứa bé nói “keo kiệt”. Năm sau gặp, tôi chẳng lì xì đồng nào nữa.
Anh nguyên : Cứ Tết là đau đầu vì cái lì xì. Người lớn dạy hết chuyện tiền bạc cho trẻ con. Tôi cũng muốn không cho con mình học kiểu ấy, nhưng môi trường xung quanh quá khắc nghiệt. Nhà giàu không nói, nhưng tiền lao động mồ hôi, nước mắt mới có mà mừng tuổi, lũ trẻ lại so đo, rất mất mặt.
Việt: Cần lắm một gợi ý lì xì bao nhiêu cho trẻ là hợp lý, và có giáo dục cộng đồng, người được lì xì trân trọng giá trị văn hóa chứ không phải là số tiền nằm trong bao. Ví dụ bạn có hai đứa con đến nhà, lì xì cho hai đứa con tôi, tôi không biết lì xì lại bao nhiêu cho hợp lý: 500 nghìn – 1 triệu đồng thì sợ nhiều, 100 – 200 nghìn đồng thì sợ ít. Giá như có một cách kêu gọi thống nhất lì xì cho trẻ bao nhiêu thì tốt quá, thêm văn hóa cho nhận lì xì nữa.
HNHN: Đứa trẻ 5 tuổi nếu không có sự “trợ giúp” của bố mẹ thì chắc chắn chúng chẳng quan tâm đến tiền chứ đừng nói là mệnh giá nhỏ, to. Đó là cả một quá trình chứ không phải là ngày một ngày hai mà những đứa trẻ 5-10 tuổi xử sự như vậy.
Việt Thành/VnE