Tòa tuyên án Phạm Đoan Trang
Sau 1 ngày làm việc, HĐXX đi đến kết luận cuối cùng, tuyên bị cáo Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, phạm tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mức án 9 năm tù.
Phán quyết được TAND Hà Nội đưa ra sau một ngày xét xử, căn cứ khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999.
Bản án nhận định hành vi của bị cáo là “nghiêm trọng, gây hoang mang trong xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân”. Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi song vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài, cần thiết xử phạt nghiêm minh.
Bà Trang bị VKSND Hà Nội cáo buộc từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2018 đã “làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống nhà nước.
Liên quan việc bà Trang trả lời phỏng vấn trên Kênh BBC News Tiếng Việt, Đài Á Châu tự do (RFA), cơ quan điều tra cho rằng nội dung này là “xuyên tạc đường lối, chính sách, phỉ báng chính quyền; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.
Làm việc với cơ quan công an, bị cáo xác nhận đã cùng nhóm tác giả “viết báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo” bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, đăng trên trang điện tử do mình lập ra. Nhà chức trách đánh giá trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà, bị cáo “không khai báo thành khẩn”.
Trước cáo buộc trả lời phỏng vấn các hãng báo chí nước ngoài với nội dung chống đối, xuyên tạc, bị cáo nhiều lần nói “không nhớ”. “Tôi là nhà báo, từng phỏng vấn và được phỏng vấn bởi trăm, nghìn người. Phóng viên BBC Tiếng Việt, RFA là đồng nghiệp, những lần trao đổi họ có thể là tư cách bạn bè, có thể là trả lời báo chí chính thức, tôi không nhớ hết”, bà Trang khai tại phiên toà.
Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trang 7-8 năm tù.
Là một trong 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng sự vắng mặt của giám định viên tư pháp, điều tra viên và một số người có tư cách tham gia tố tụng khác dù không ảnh hưởng đến cáo buộc song ảnh hưởng đến quá trình bào chữa. Ông cho rằng, việc quy kết tội danh cho thân chủ là động thái “phủ nhận điều 25 Hiến pháp và các Công ước quốc tế”.
Đối đáp, công tố viên giữ nguyên quan điểm truy tố, khẳng định việc quy kết tội danh với bị cáo “không hề mâu thuẫn Hiến pháp”. Điều này dựa trên hai căn cứ: lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra và kết quả giám định các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình.
Trước khi được biết đến là blogger, bà Trang đã làm việc tại một số tờ báo, là tác giả một số ấn phẩm ở nước ngoài.
Thanh Mai