Tổ quốc là nơi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cùng vượt qua đại dịch!
Cuối tuần qua, phố Trúc Bạch hết phong toả, cách ly và “chúng tôi mong chờ ngày này từng giờ, vui hơn cả Tết…”, đó là chia sẻ của người dân đoạn phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) sau 14 ngày được cách ly.
14 ngày 189 người thực hiện cách ly tại chỗ với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, đội ngũ y bác sĩ, những người làm nhiệm vụ quản lý và hơn hết là sự hợp tác của 189 người dân phố Trúc Bạch.
14 ngày có thể nói là nằm trong vùng cách ly dễ gây sự tù túng về không gian, nhưng nhìn ở góc độ tích cực thì đây là khoảng thời gian để họ trở nên thân thiết, hiểu nhau hơn về những người hàng xóm của mình. Điều mà tưởng như giản đơn nhưng trong những ngày bình thường họ không còn giữ được vì sự phát triển và nhịp sống hiện tại.
14 ngày của người dân Trúc Bạch hay 14 ngày của những đoàn cách ly ở Quảng Ninh, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… hay bất kỳ nơi nào đón đoàn cộng đồng người Việt từ nước ngoài về cũng là thời khắc đáng nhớ, mang đậm ấm áp tình người, giữa quân dân, bác sĩ với người dân và giữa những người cách ly với nhau.
Đoàn công dân Việt Nam trở về từ khắp các nơi trên thế giới, buộc họ phải tạm gác công ăn, việc làm để trở về quốc gia của mình, nơi công tác phòng chống dịch bệnh được thế giới nghi nhận về thành tựu khoa học, y tế và chống dịch.
Hiếm có một quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế thì chung tay không ai phải ở lại phía sau, không ai phải đói nghèo; khi phát triển kinh tế chúng ta không đánh đổi lấy môi trường. Và hôm nay, khi tính mạng, sức khoẻ công dân bị ảnh hưởng, đất nước lại một lần nữa sẵn sàng đánh đổi kinh tế để bảo vệ công dân của mình.
Trong suốt thời điểm bùng dịch từ tháng 2 xuất phát từ Trung Quốc, rồi từ Hàn Quốc, Nhật Bản và những ngày gần đây là Châu Âu. Việt Nam đã không ít những chuyến bay được cử sang đón công dân trở về từ vùng dịch, những chuyến bay miễn phí mục tiêu duy nhất là đón được nhiều công dân trở về nhất.
Hơn 7000 người Việt Nam đã được đón về từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, với những người đã hoàn thành thời gian cách ly, đi cùng lời kêu gọi của Chính phủ Vietnam Airline hỗ trợ vé máy bay miễn phí để công dân trở về nhà. Trong khi tại Mỹ, Nhật hay nhiều quốc gia khác thì công dân của họ phải chi trả khoản tiền này.
Nếu trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Mỹ sau khi chữa khỏi phải chi trả viện phí gần 35.000 USD. Thì ở Việt Nam, Bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện hi trả 100% chi phí điều trị cho tất cả các trường hợp dương tính với Covid-19 là người Việt Nam. Đối với người nước ngoài, Chính phủ chi trả tiền xét nghiệm và cách ly.
Để nhường chỗ cho đoàn người cách ly, không ít bác sĩ, đội ngũ chống dịch bệnh đã “vạ đâu nằm đó” để chợp mắt, nghỉ ngơi trong những ngày gồng mình chống dịch. Những bữa cơm vội một góc hầm gửi xe của chiến sĩ quân đội đưa đoàn cách ly từ sân bay về khu tập trung; phút ngủ gật tai sân bay của cô lao công dọn vệ sinh sân bay; những lán trại dã chiến tại rừng, vùng biên để kiểm soát người vượt biên.
Hơn 280 y bác sỹ về hưu, hàng ngàn sinh viên Y dược đi học trong khi các trường khác đều nghỉ học; hơn 600 đơn tình nguyện tham gia chống dịch được viết sẵn; nghệ sĩ vào cuộc chung tay kêu gọi hành động cùng Mặt trận Tổ quốc, cùng Chính phủ và Bộ Y tế; hàng loạt các khách sạn cả nước lên tiếng đồng hành cùng chính quyền địa phương.
“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,… những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc ta từ xưa đến nay lại một lần nữa lại thấy rõ nét đến vậy. Chưa lúc nào, Tổ quốc trở nên thiêng liêng và mạnh mẽ như thế. Người ta có thể phản bội Tổ quốc, nhưng Tổ quốc thì không bao giờ phản bội những đứa con của mình. Cuốn hộ chiếu xanh xưa nay bị coi là “đồ bỏ đi”, nhưng khi đại dịch đến thì câu nói vui “cột điện nước Ý mà có hộ chiếu xanh cũng tìm đường về Việt Nam”.
Khi đại dịch xảy ra, sẽ chẳng có miền đất nào hứa hẹn an toàn tuyệt đối cả. Nhưng khi dịch bệnh đến con người ta mới thấy được ý nghĩa thực sự của 2 tiếng: Tổ quốc. Ở trong 2 tiếng đó là tinh thần và sự quyết tâm cao nhất của Chính phủ và các ngành, các cấp đang tập trung nguồn lực và điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho bà con trở về.
Một công dân vô danh trong số hơn 7.000 công dân vừa trở về nước và hoàn thiện việc cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đã viết trong lưu bút: Covid-19: “Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta!”
Cuốn sổ này sau khi dịch bệnh qua đi sẽ phải rất lâu nữa mới được đọc và nhắc lại. Nhưng giá trị của Tổ quốc trong thời khắc đó chẳng có thể gì so sánh và đánh đổi được.
Vậy nên, dù Việt Nam này vẫn còn nghèo đói, vẫn còn khó khăn thì giờ phút này hãy tự hào về đất nước của chúng ta, nơi có Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, các đơn vị quân đội, công an chính quyền địa phương và nhân dân trong nước cùng chung lưng đấu cật, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cùng vượt qua đại dịch!
Khi hết cách ly, đoàn người cách ly sẽ di chuyển trở về gia đình, có lẽ việc đầu tiên của họ khi rời các trại cách ly và đầu tiên trở về nhà đều là những cái ôm (âm tính) thắm đậm tình người. Và khi đại dịch qua đi, họ lại trở lại quốc gia đã trở về để học tập, làm việc, nhưng giá trị quan trọng nhất thì chắc chắn họ đã hiểu.
Phạm Minh Hà