8
category
321085

Tổ chức môi trường Nhật phản hồi việc TPHCM “chê” công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch

18/08/2019 07:41

Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản phản đối báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM về công nghệ nano-bioreactor đang được thử nghiệm xử lý nước ở sông Tô Lịch (Hà Nội). Theo tổ chức này, nhận định của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM có nhiều thông tin sai lệch. 

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (công ty JVE) từng đề xuất với UBND TPHCM xử lý nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 bằng công nghệ nano-bioreactor.

Tuy nhiên, qua tham khảo thông tin công ty cung cấp cũng như các tài liệu, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho rằng đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor là chưa có cơ sở vì ngay cả các nước tiên tiến (kể cả Nhật Bản là nơi xuất xứ công nghệ) cũng đang sử dụng các trạm xử lý nước thải.

Tổ chức môi trường Nhật phản hồi việc TPHCM chê công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch - 1
Xử lý nước bằng công nghệ nano-bioreactor đang được thử nghiệm ở một đoạn sông Tô Lịch, Hà Nội. Trong ảnh là chuyên gia Nhật Bản tắm bằng nước sông đã qua xử lý để chứng minh hiệu quả của công nghệ này. (ảnh: Quân Đỗ)

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, hiện nay Hà Nội đang tiến hành thử nghiệm công nghệ này trên một đoạn sông Tô Lịch (với thời gian thử nghiệm là 2 tháng) và được theo dõi, lấy mẫu giám sát để đánh giá hiệu quả. Vì vậy, cần chờ đợi kết quả thử nghiệm với các số liệu cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức tham quan thực tế và tiếp cận các số liệu quan trắc để có thể đánh giá một cách khách quan hơn.

Từ đó, Sở kiến nghị UBND TP giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thẩm định công nghệ khi có yêu cầu từ công ty JVE.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản không đồng ý với phân tích và nhận định của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM trong báo cáo gửi UBND TP. Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho rằng Sở Tài nguyên – Môi trường TP nhận định sai, có thông tin sai lệch về công nghệ nano-bioreactor.

Cụ thể, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho rằng, khả năng cung cấp oxi “vô tận” thì thật sự là không thể có vì các thiết bị (máy tạo bọt khí) cần cung cấp năng lượng. Như vậy, nếu ngưng cung cấp điện năng cho thiết bị cũng đồng nghĩa là khả năng cấp bọt khí – oxi chấm dứt.

Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM hiểu sai và không biết rằng công nghệ nano-bioreactor có 2 nguồn tạo ra oxi nên nhận định trên là thể hiện chưa hiểu về công nghệ Nhật Bản.

Thứ nhất là hệ thống máy nano (có dùng điện) tạo ra trực tiếp oxi: Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 50nm). Do bọt khí siêu nhỏ được tạo ra liên tục nên hàm lượng oxi hòa tan vào trong nước nhiều hơn rất nhiều so với sục khí đơn thuần thông thường.

Thứ hai là không chỉ có yếu tố máy sục khí nano mới tạo ra oxi, mà còn một yếu tố tạo ra oxi “vô tận” nằm ở phát minh thứ 2 là tạo ra oxi từ nước bởi hoạt động của các tấm vật liệu thiên nhiên bioreactor không phải dùng điện.

Cụ thể, vật liệu bioreacror được làm từ đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, được chế tạo qua bí quyết đặc biệt của phát minh tại Nhật Bản, sau khi được đặt trong nước là việc cung cấp các “giá thể” dạng tổ ong để vi sinh vật trú ngụ và phát triển, do vậy nó kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả 3 dạng hiếu khí, thiếu khí nhưng chủ yếu là vi sinh vật yếm khí, các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme.

Các enzyme này cung cấp năng lượng rất lớn và liên tục cho phân tử nước làm cắt được mạch liên kết H-O-H, giải phóng oxi từ trong phân tử nước từ đó cung cấp nguồn oxi vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxi hòa tan trong nước tăng mạnh mà không cần dùng đến điện năng.

Tổ chức môi trường Nhật phản hồi việc TPHCM chê công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch - 2

Về khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho rằng công nghệ này hoàn toàn không có cơ chế để tạo ra các gốc tự do (ví dụ như HO*) vì muốn tạo ra các gốc tự do này phải có các tác nhân oxi hóa rất mạnh như O3 (ozone), H2O2… là những tác nhân có thể tạo ra nguyên tử oxi.

Trong khi đó, Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết mặc dù không thể nói hết ra bí quyết phát minh của công nghệ trong phạm thông tin báo chí về báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường TP (sẽ công bố khi kết thúc Dự án với Hội đồng khoa học của Việt Nam) nhưng công nghệ sục khí nano tạo ra các gốc hydroxyl (*OH) hay đơn giản gọi là OH- còn có khả năng oxi hóa mạnh hơn cả O3, H2O2.

Về vấn đề kích hoạt vi sinh vật, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho rằng giải pháp nano-bioreactor không kích hoạt đủ số lượng vi sinh vật mà cần kết hợp việc sử dụng các loại thực vật nước mới mang lại hiệu quả. Phía Nhật Bản cho rằng đây cũng là phát ngôn không chính xác.

Theo tổ chức này, công nghệ nano kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, công nghệ bioreactor là giá thể để kích hoạt chủ yếu vi sinh vật yếm khí (có thêm một phần vi sinh vật thiếu khí và hiếu khí).

Và thực tế, các dự án đang thực hiện tại Việt Nam đều có số liệu khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện phân tích chất lượng nước, đã đánh giá việc thay đổi lượng vi sinh vật có hại giảm ra sao, số lượng vi sinh vật có lợi tăng hàng chục ngàn lần. Đó là dự án xử lý tại hồ Hùng Thắng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), khu vực xử lý thí điểm tại Hồ Tây (Hà Nội).

Tổ chức môi trường Nhật phản hồi việc TPHCM chê công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch - 3
Hiện tượng cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè diễn ra trong vài năm trở lại đây

 

Về đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho rằng công nghệ chưa đáp ứng là thời gian xử lý, phục hồi cần 2-3 tháng trong khi nước thải ra hàng ngày. Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho rằng nhận định này là không chính xác.

Tổ chức này phân tích: quy trình xử lý bằng công nghệ nano-bioreactor đang áp dụng tại sông Tô Lịch là sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O thì dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục hàng ngày nhưng sẽ được xử lý ngay trong ngày, mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu.

“Còn thời gian 2-3 tháng là cả xử lý phân hủy bùn hữu cơ mà không cần nạo vét cơ học chứ không phải là riêng thời gian xử lý nước thải”, tổ chức môi trường Nhật Bản thông tin.

Ngoài ra, Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cũng phản đối nhận định của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM về việc xử lý hàm lượng Nitơ, Photpho trong nước thải, nhất là nước thải sinh hoạt.

Quốc Anh/Dân Trí

Đọc nhiều