Tờ 200 ngàn đồng và tính nghiêm minh của luật pháp
Vụ nữ cán bộ cảnh sát giao thông của quận Đống Đa, Hà Nội “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất tuần qua bị phạt 200 ngàn đồng đang khiến người dân hoài nghi về tính nghiêm minh của luật pháp.
Người ta đã so sánh ngay với một vụ việc cũng vừa mới xảy ra: Tại Thanh Hóa, ngày 15.8, một thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát giao thông huyện Ngọc Lặc tỉnh này xử lý. Thanh niên này sau đó chụp hình, đăng tải lên mạng xã hội, có những lời lẽ được cho là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông huyện Ngọc Lặc. Vì hành vi đó, ngày 23.8, anh ta đã bị phạt tới 7,5 triệu đồng.
Cùng một hành vi, một người được coi là dân thường thì bị phạt tới 7,5 triệu đồng, nhưng người kia, là đại úy cảnh sát giao thông thì chỉ bị đồn công an ở sân bay Tân Sơn Nhất phạt có 200 ngàn đồng thì không thể nào khiến cho người dân tâm phục, khẩu phục.
Hơn nữa, nếu xét kỹ, hành vi của nữ cán bộ công an Lê Thị Hiền có phần nghiêm trọng hơn nhiều: Những clip ghi lại cho thấy, người này còn chống đối, đánh cả người thi hành công vụ (an ninh sân bay, công an sở tại), khi bị đưa vào phòng làm việc.
Tất cả những hành vi vi phạm của nữ cán bộ cảnh sát giao thông này hiện đều có quy định xử lý: Với những hành vi xúc phạm nhân viên hàng không, gây rối ở sân bay thì Nghị định 162/2018/NĐ-CP thì bà này đã có thể bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.
Nếu căn cứ Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng thì mức phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, thậm chí bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Còn tội chống người thi hành công vụ cũng có thể bị phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 330 Bộ luật hình sự.
Với mức xử lý trên, người dân hoài nghi về tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật là hoàn toàn có cơ sở. Đã có rất nhiều ý kiến của người dân bình luận trên báo chí, mạng xã hội cho rằng, như thế, cán bộ nhà nước làm trái pháp luật thì được nương nhẹ mà người dân có vi phạm thì xử nặng hơn nhiều.
Mức phạt trên cũng lại khiến nhiều người nhớ tới mức phạt 200 ngàn đồng mà Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội xử phạt một thanh niên có hành vi tấn công tình dục một nữ sinh trong thang máy tòa nhà chung cư ở quận này mấy tháng trước. Mức phạt được cho là quá nhẹ đó cũng gây lên sự bức xúc rất lớn trong dư luận. Đã có rất nhiều người cho rằng, với mức xử phạt như vậy đã khiến cho nhiều vụ việc tương tự liên tiếp xảy ra.
Con số 200 ngàn đồng quả thực đến giờ đã thành một trò đàm tiếu phổ biến trên mạng xã hội. Đã có rất nhiều bình luận, hình minh họa, tranh vẽ… cho đề tài trên. Có người nói đùa rằng, tờ tiền 200 ngàn đồng là “đồng tiền quyền lực”.
Có người thì đề xuất: Ngân hàng Nhà nước nên thu hồi bớt những đồng tiền có mệnh giá này. Có người thì lại nói, giờ đi đâu cũng phải mang theo vài tờ 200 ngàn đồng… để sẵn sàng cho các vụ bị phạt.
Tất nhiên là những câu nói, những ví von, bình luận trên chỉ là những trò đùa. Nhưng đó thật sự là câu chuyện đáng lo ngại. Không lo sao được, khi mà pháp luật bị đem ra thành trò đùa, bị giễu cợt thì tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật sẽ không còn nữa.
Cho nên, để luật pháp còn được nghiêm minh, có tính răn đe cao thì với những vụ việc như thế này, cơ quan thi hành luật không có cách nào khác phải thực thi đúng quy định đã có. Nếu quy định hiện hành còn lỏng lẻo, chưa nghiêm thì phải kiến nghị, sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, nghiêm khắc hơn.
Như vụ việc nữ cán bộ cảnh sát “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất, người này không chỉ đáng bị sa thải khỏi ngành mà cơ quan chức năng cũng cần xem xét những dấu hiệu phạm tội hình sự cũng đã khá rõ ràng, đủ bằng chứng, nhân chứng tại nơi xảy ra sự việc.
Mạnh Quân/Dân Trí