Tình tiết bất ngờ trong vụ 3 ngân hàng bị lừa 430 tỉ đồng
Tại phiên toà xét xử, Nguyễn Thị Hà Thành đã lừa đảo 430 tỉ đồng của 3 ngân hàng, các bị cáo tại Ngân hàng VietABank chi nhánh Đông Đô đã đối chất và đổ lỗi cho nhau
Ngày 12-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi) cùng 25 bị cáo khác liên quan vụ chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) cùng 4 cá nhân, tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong số 3 nhà ngân hàng liên quan, VietABank bị Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm chiếm đoạt số tiền lớn nhất, với hơn 273 tỉ đồng. Trong đó, có 11 cán bộ ngân hàng này mắc sai phạm.
Theo cáo trạng, Hà Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Do bị cáo không có tài sản đảm bảo nên đề nghị họ gửi tiền vào VietABank, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành quản lý. Tiền gửi vào ngân hàng dưới hình thức đồng sở hữu hoặc gửi vào tài khoản công ty rồi phong tỏa.
Sau đó, Hà Thành dùng thủ đoạn gian dối để vay ra hoặc rút tiền từ VAB rồi sử dụng. Để thực hiện, Hà Thành móc nối với Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, chi nhánh Đông Đô – VietABank) và Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh) để cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền của ngân hàng.
Giám đốc chi nhánh Đông Đô của VietABank đã cùng nhân viên giúp sức cho Hà Thành trong tất cả các khâu từ khi gửi tiền tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay một cách thuận lợi, giúp Hà Thành chiếm đoạt được tiền từ ngân hàng. Bên cạnh đó, Thu Hương còn trấn an Người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rằng “tiền gửi đã được phong tỏa, không có mặt cả 2 người đồng sở hữu sẽ không thể rút”.
Trong quá trình thực hiện gửi tiền đồng sở hữu, để “Người đồng sở hữu” tin và đồng ý bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm, Hà Thành cần có một nửa hoặc một phần tiền. Biết Hà Thành không có tiền, Thu Hương đã đặt vấn đề, nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng phòng giao dịch Đông Đô) vay “nóng” tiền hộ Hà Thành và hứa hẹn sẽ được trả lãi cao. Sau đó, Quỳnh Hương đã bảo lãnh, vay tiền từ nhiều khách hàng khác của ngân hàng giúp Hà Thành.
Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, thừa nhận hành vi song giải thích việc này để khách hàng hài lòng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho chi nhánh. Bên cạnh đó, Hà Thành là khách VIP của ngân hàng này.
Thừa nhận sai phạm như cơ quan tố tụng cáo buộc song, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương nói làm theo chỉ đạo của cấp trên là Đặng Thị Quỳnh Hương. “Nếu bị cáo Quỳnh Hương không yêu cầu thì bị cáo và các nhân viên khác sẽ không làm” – bị cáo Thu Hương khai.
Trước cáo buộc này, Quỳnh Hương phủ nhận và cho rằng ngay cả bản thân bị cáo cũng bỏ tiền của cá nhân để cho Hà Thành vay. Bị cáo cũng không biết gì về kế hoạch của Hà Thanh hay Thu Hương.
Theo bị cáo Quỳnh Hương, bị cáo này không thực hiện bất cứ giao dịch nào với khách hàng và không biết người gửi có bao nhiêu tiền. Nhiệm vụ bị cáo được giao là huy động, tìm khách hàng, không thực hiện giao dịch với khách, việc giải ngân tiền vay cho Hà Thành cũng không phụ thuộc vào bị cáo.
Với cáo buộc ký các tờ trình duyệt cấp tín dụng cho Hà Thành dù hồ sơ không đủ điều kiện cấp, bị cáo Quỳnh Hương giải trình đó chỉ là những thủ tục về chủ trương, còn VietABank việc giải ngân không phụ thuộc vào bị cáo.
Cũng tại phiên tòa, Đặng Thị Quỳnh Hương cho rằng bị cáo không phạm các Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trong khi đó, khi được gọi đối chất với các bị cáo liên quan chi nhánh VietABank, Nguyễn Thị Hà Thành khai các giao dịch liên quan vụ án đều được bị cáo thực hiện với Nguyễn Thị Thu Hương. Tuy nhiên, bị cáo này chỉ quan tâm đến việc có vay được tiền không, còn lại quy trình làm việc ở ngân hàng thì bị cáo “không quan tâm”.
Bích Ngân