Tinh hoa trong “đạo làm quan”!

Thành An 03/05/2024 15:07

Việc cán bộ xin từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo Quy định 41 thể hiện những giá trị tốt đẹp, tinh hoa trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của các nhà chính trị ở phương Đông, phương Tây trước nay.

Thời gian qua, không ít cán bộ cấp tỉnh đến Trung ương, có cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm đơn xin từ chức, thôi chức. Người từ chức vì liên quan đến sai phạm ở địa phương do mình phụ trách, người từ chức vì chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc không đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thực hiện theo Quy định 41 ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương có tác động tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nỗ lực tự chỉnh đốn chính mình

Trong một Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “xây dựng Đảng phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”. Tổng Bí thư đã chỉ ra việc có nhiều đảng viên, cán bộ cấp lãnh đạo “nhạt phai lý tưởng”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu “tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ.”.

Theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2012-2022, đã có 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự.

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị. Hiệu ứng của Quy định 41 là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong hai năm (2021-2023), trong đó có cả những cán bộ là ủy viên Bộ Chính trị, cán bộ đảm nhận vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thực tế cho thấy, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41, thay thế Quy định 260-QĐ/TW, là rất cần thiết và kịp thời, đáp ứng tình hình hiện nay. Việc miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới, mà đã được Đảng đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc miễn nhiệm, từ chức chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra. Tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi, trong các lĩnh vực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.

Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41 có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, “Miễn nhiệm” là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. “Từ chức” là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Có thể thấy, theo Quy định 41, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về việc miễn nhiệm với các trường hợp: Không đáp ứng được yêu cầu công việc; Uy tín giảm sút; Có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Đặc biệt, Quy định 41 không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm. Về nguyên tắc, Đảng sẽ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Trong đó, quy định rõ đối với 6 trường hợp miễn nhiệm, 4 trường hợp xem xét cán bộ từ chức.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quy định 41 đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực, được nhân dân hết mực tin tưởng. Các cán bộ khi từ chức cũng thể hiện được một phần bản lĩnh, đạo đức. Đặc biệt đối với các cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, việc từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo Quy định 41 thể hiện những giá trị tốt đẹp, tinh hoa trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của các nhà chính trị ở phương Đông, phương Tây trước nay.

Thế nhưng, vẫn còn một số tiếng nói lệch lạc, một bộ phận dư luận bị lôi kéo bởi các luận điệu sai lệch khi cho rằng Quy định 41 là nhằm giúp “hạ cánh an toàn”.

Từ chức – không phải muốn là được

Hạ cánh an toàn” là cách nói trong dân gian đã có từ rất lâu ở nước ta về hiện tượng người có chức, có quyền sau khi trở lại làm dân thường (nghỉ hưu) thì không phải chịu trách nhiệm về những sai phạm khi đang công tác. Gần đây, khái niệm này còn được dùng để chỉ một số cán bộ quản lý có sai phạm, đã chủ động xin thôi giữ chức vụ khi chưa đến tuổi nghỉ hưu hay chưa hết nhiệm kỳ công tác, chưa hết thời hạn được bổ nhiệm.

Mặc dù “văn hóa từ chức” đang được kêu gọi xây dựng, song không phải trường hợp từ chức nào cũng được hoan nghênh, cán bộ nào từ chức cũng được chấp nhận. Giờ đây, từ chức cũng không còn là điều dễ dàng đối với những cán bộ muốn mượn cách “hạ cánh” để “né” án kỷ luật, chối bỏ trách nhiệm về những sai phạm của mình.

Điều 3 (Chương I) của Quy định số 41-QĐ/TW nêu ra các nguyên tắc của việc miễn nhiệm, từ chức. Trong đó, nguyên tắc thứ ba là “Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.”

Trong cùng một nguyên tắc, ý thứ nhất (kiên quyết cho miễn nhiệm, từ chức) không hề “làm khó” ý thứ hai (không cho từ chức khi phải miễn nhiệm).

Trái lại, hai ý này bổ sung cho nhau, thể hiện rằng Đảng hiện nay chủ trương cương quyết xử lý những những cán bộ vi phạm kỷ luật, không để “hạ cánh an toàn.”

Đây vừa là quyết tâm chính trị, vừa là sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn của pháp luật. Điều đó giúp củng cố niềm tin trong nhân dân và là tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với những người đứng trước nguy cơ sa ngã, làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự quyết liệt trong đấu tranh với những sai phạm của cán bộ được thể hiện trong quy định mới của Bộ Chính trị cho thấy, từ nay sẽ rất khó có chuyện lấy việc từ chức để thay thế cho việc bị miễn nhiệm – hai sự việc dù có một vài biểu hiện có thể gây ra sự mơ hồ, lẫn lộn, nhưng thực ra lại khác nhau về bản chất.

Trong một thời gian dài trước đây, những cán bộ có nhiều sai phạm đã không bị xử lý sau khi về hưu hay thôi đảm đương chức vụ, hoặc nếu bị xử lý thì cũng chưa thực sự nghiêm minh. Tình trạng này góp phần làm cho vấn đề đạo đức và luật pháp bị xem nhẹ.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Nhắc đến những con số này, chúng ta thật buồn. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người.”.

Thành An

Đọc nhiều