Tin vui về “siêu dự án” 12 tỷ USD
Chuỗi dự án có tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 12 tỷ USD vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin.
Mới đây, trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận Ô Môn. Nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về tình hình triển khai Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn, Trung tâm Điện lực Ô Môn. Chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn đã được triển khai thực hiện, tiến hành kiểm kê bồi thường vào năm 2020, nhưng sau đó ngưng dự án.
Năm 2012, dự án được triển khai tiếp, đồng thời kiểm kê bồi hoàn, nhưng sau đó tiếp tục dừng đến nay. Cử tri đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm tiến hành triển khai thực hiện dự án, vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và kinh doanh của các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án.
rả lời ý kiến của cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự án Đường ống dẫn khí Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện khí ở Trung tâm nhiệt điện Ô Môn (chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn) có từ năm 2010, năm 2012 mới được khởi động và tạm ngưng đến nay với nhiều lý do. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, hiện nay, TP Cần Thơ cơ bản giải quyết xong các thủ tục để bắt đầu tiến hành đẩy mạnh tiến độ thực hiện chuỗi dự án.
Trên thực tế, dự án Đường ống dẫn khí Lô B và Trung tâm nhiệt điện Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD.
Theo Thủ tướng thông tin, năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III và IV sẽ được vận hành đóng điện vào giai đoạn năm 2026 – 2028.
Ngoài ra, tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã thông tin thêm đến cử tri về tình hình dự án này trên địa bàn. Cụ thể, ngày 25/3, UBND TP Cần Thơ đã có ý kiến về dự thảo khung chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự án. Đến ngày 11/4, chủ đầu tư dự án đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thẩm tra và làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ hiện đang phối hợp với chủ đầu tư trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để tiến hành triển khai dự án theo quy định.
Với các dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV, TP Cần Thơ tiếp tục đồng hành với chủ đầu tư để thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng, đồng thời kịp thời giải quyết các khó khăn và vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố. Hiện nay, các dự án này đã được giải phóng mặt bằng sạch 100%, nhưng vẫn còn vướng bàn giao đất thực địa và việc chia sẻ những hạng mục dùng chung giữa các nhà máy.
Trong số 3 dự án nhà máy nhiệt điện, dự án IV đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phê duyệt dự án. Theo đó, chủ đầu tư đang tiến hành thỏa thuận chia sẻ về những hạng mục dùng chung và dự kiến khởi công vào quý IV/2025, vận hành thương mại vào quý III/2028.
Được coi là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay, chuỗi dự án khí điện Lô B có sản lượng khai thác khi dự kiến là khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm (trong giai đoạn ổn định) và cung cấp cho 4 nhà máy điện ở Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW. Sau khi vận hành, chuỗi dự án này có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tại Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ.
Khi đi vào hoạt động, chuỗi dự án này sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, mang lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí cũng như các lao động tại khu vực ĐBSCL.
Theo Petrovietnam, Lô B gồm các Lô 48/95 và Lô 52/97 nằm tại khu vực ngoài khơi phía Tây Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km và cách Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ) khoảng 400 km, với độ sâu nước là khoảng 77m.
Chuỗi dự án bao gồm tổ hợp các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn.
Bảo Trâm