Tín hiệu ‘ở lại’ từ bà Kamala Harris

25/08/2021 10:15

Tối 24-8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm chính thức từ ngày 24 đến 26-8, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam.

Tín hiệu ở lại từ bà Kamala Harris - Ảnh 1.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫy tay chào khi đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 22h tối 24-8, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam dài 3 ngày – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bà Harris cũng là quan chức cao cấp nhất tính tới nay của chính quyền Tổng thống Joe Biden công du Đông Nam Á.

Bàn về ứng phó COVID-19

Trong chương trình làm việc chính thức ngày 25-8, Phó tổng thống Kamala Harris sẽ gặp các quan chức Chính phủ Việt Nam. Sau đó, bà dẫn đầu phái đoàn Mỹ cùng Chính phủ Việt Nam chính thức ra mắt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.

Trong ngày 25-8, bà Harris có cuộc họp trực tiếp với các lãnh đạo Việt Nam và họp trực tuyến với các quan chức khác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Papua New Guinea. Bà sẽ thảo luận về chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19 của Mỹ cũng như cách thức các bên có thể phối hợp để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi các nội dung về y tế và đại dịch đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của chuyến đi này. Washington muốn phối hợp với Đông Nam Á trong ứng phó đại dịch COVID-19 cũng như dự phòng cho các đại dịch khác trong tương lai.

Đến nay, Mỹ đã chia sẻ hơn 23 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Đông Nam Á. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, bà Harris sẽ đề cập đến những thách thức đối với y tế công liên quan đại dịch COVID-19 trong chuyến công du.

An ninh y tế toàn cầu là một trong ba lĩnh vực trọng tâm, bên cạnh quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh. Chính quyền của ông Joe Biden đã phát đi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á nói chung, của Việt Nam và Singapore nói riêng, trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhấn mạnh cam kết với khu vực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sascha-Dominik Dov Bachmann (ĐH Canberra, Úc) nhận xét chuyến thăm của Phó tổng thống Harris là một tín hiệu quan trọng với khu vực, nhất là trước những tin tức không lạc quan gần đây về tình hình Afghanistan. Chính quyền Tổng thống Biden đang đối diện nhiều câu hỏi về các cam kết sau khi rút quân khỏi Afghanistan.

“Mỹ đang hiện diện để gửi đi tín hiệu “ở lại” và nỗ lực hướng tới cách tiếp cận quốc tế dựa trên các liên minh để đối phó Trung Quốc… Một trong những điểm chính về vai trò quyết đoán hơn của Mỹ trong khu vực là tái khẳng định cam kết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, nơi vốn có khả năng trở thành điểm nóng xung đột”, GS Bachmann nói.

Thực tế, trong phát biểu ngày 24-8 tại Singapore, Phó tổng thống Harris đã nhắc tới Biển Đông và Trung Quốc. Bà tuyên bố Bắc Kinh tiếp tục là mối đe dọa tại Biển Đông và nhấn mạnh Mỹ cam kết củng cố phát triển bền vững tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Dù vậy, bà cũng khẳng định sự can dự của Mỹ tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không nhằm chống lại một nước thứ ba và không bắt nước nào phải chọn phe. “Thay vào đó, sự can dự của chúng tôi nhằm thúc đẩy một tầm nhìn lạc quan về sự tham gia và quan hệ đối tác của chúng tôi trong khu vực. Và tầm nhìn kinh tế của chúng tôi là một phần quan trọng trong đó”, bà Harris phát biểu tại Singapore.

Hôm 24-8, bà Harris có hội nghị bàn tròn về chuỗi cung ứng với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Singapore. Phó tổng thống Mỹ khẳng định đại dịch đã làm lộ rõ những đứt gãy và rạn nứt trong hệ thống chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đây là thời điểm tạo ra cơ hội để tìm giải pháp cho những vấn đề lâu dài cũng như cải thiện hiệu quả trong việc xây dựng quan hệ đối tác giữa Mỹ và khu vực.

Thành lập CDC Mỹ tại Hà Nội

Hôm nay (25-8), Phó tổng thống Mỹ Harris dự lễ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC Mỹ tại Hà Nội.

Văn phòng khu vực mới được kỳ vọng giúp CDC ứng phó nhanh hơn các nguy cơ y tế, xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung trong lĩnh vực này. CDC sẽ tăng cường khả năng hợp tác của Mỹ với các lãnh đạo Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó bệnh truyền nhiễm và những nguy cơ y tế mới nổi khác.

Được biết, văn phòng mới của CDC sẽ tập trung xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo – tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực.

Ngoài ra, văn phòng này cũng sẽ giúp bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các trung tâm điều hành ứng phó khẩn cấp, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và có nguồn gốc từ động vật.

NHẬT ĐĂNG

Đọc nhiều